Sang Mỹ làm... nghề nông
Cách đây hơn một tháng, có chín nông dân Việt Nam đã sang Mỹ theo diện visa H-2A. Họ chính là những người đầu tiên bước vào một thị trường xuất khẩu lao động hoàn toàn mới: Nước Mỹ. Không phải là cuộc đi chơi
Đó là chín nông dân ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thái Bình... cùng một cán bộ quản lý. "Phong cách làm việc, nét ứng xử văn hóa, ăn uống, giờ giấc, đi lại rất khác với Việt Nam. Tuy hơi bỡ ngỡ, công việc tuy vất vả nhưng được trả công xứng đáng và sẽ có cơ hội nâng cao ngoại ngữ, nghề nghiệp, các kỹ năng lao động khác bên cạnh việc nâng cao thu nhập...". Đấy là cảm nhận của anh Nguyễn Thanh Long (39 tuổi, người TP Hồ Chí Minh).
Một nông dân khác viết từ Hawaii: "Đời sống, sinh hoạt và đi lại ở đây như thế là đạt được yêu cầu của người lao động. Còn công việc làm thì cũng có vất vả chút ít nhưng tiền lương được trả cũng đúng với sức của người lao động. Tôi sẽ cố gắng làm việc 2 đến 3 năm, hy vọng sẽ nâng cao được kỹ năng trồng trọt, biết được nhiều công việc làm ăn tốt hơn và thêm được một chút vốn để xây dựng gia đình"... Bạn Bùi Tiến Huy viết: "Công việc tuy không nặng nhưng phải ngồi nhặt hạt 10 tiếng/ngày nên cũng hơi mệt, song cũng nhận được tiền lương xứng đáng sức lực mình bỏ ra. Chỗ ăn ở nói chung là ổn".
Anh Cẩn Trọng Quý (135 Sơn Tây, Ba Đình, Hà Nội): "Công việc làm có vất vả nhưng có hiệu quả về kinh tế. Mới đầu làm, kết quả lao động khá tốt song còn phải cố gắng. Sinh hoạt nói chung là tốt, giá cả so với lương là bình thường so với cuộc sống bên này".
Anh Phan Bá Hà thì đặt vấn đề với những nhà cung ứng lao động: "Công việc làm lần đầu cũng không đến nỗi vất vả lắm. Chỉ thiếu đài, báo Việt Nam để nghe, để đọc, để biết thông tin của đất nước"...
Số nông dân này được tuyển chọn làm việc ở một trang trại tại Hawaii với mức lương 9,75USD/giờ. Cho đến nay, công việc của anh em đã ổn định. Ký túc xá dành cho người lao động đầy đủ tiện nghi như điện, nước, bếp gas, tủ lạnh, dụng cụ nhà bếp, phòng ở... Thực phẩm phong phú bảo đảm sức khỏe, giá cả phù hợp. Anh em ăn ba bữa đủ no, đủ chất dinh dưỡng với giá 4USD/ngày.
Về công việc, người lao động nhặt hạt macadamia đã chín rụng dưới đất. Khi làm việc, mọi người mang theo khay nhựa gom hạt, cứ khoảng 15kg đổ thành đống tập trung để xe ôtô của trang trại đến chở đi. Hằng ngày, anh em đi làm bằng xe ôtô của trang trại.
Lương được trả bằng thẻ ngân hàng, vào hàng tuần. Ngoài những khoản trừ do luật pháp quy định, không có bất cứ một khoản trừ nào khác làm mức thu nhập của người lao động xuống tới mức lương tối thiểu của liên bang hoặc bang theo quy định của pháp luật sở tại. Anh em được trả lương theo giờ và có thể tự nguyện làm thêm giờ hoặc vào ngày nghỉ.
Về kỹ thuật không đòi hỏi cao nhưng kỹ luật lao động đòi hỏi người lao động phải làm việc rất nghiêm túc.
Cùng làm việc nghề nông tại nông trại này có cả người Thái-lan và một số nước Châu Á. Tất cả những người lao động ở đây đều phải tuân thủ những điều cấm nghiêm ngặt: Cấm đánh, chửi nhau; cấm sử dụng, mua bán rượu và ma túy tại nơi làm việc và rất nhiều khoản cấm khác theo quy định của pháp luật Mỹ. Xin trích một đoạn: "Hãy nhớ, chúng tôi cần những người đáng tin cậy, chăm chỉ, tự lập và những ai muốn làm việc. Chúng tôi cần những người làm việc nghiêm túc, sẵn sàng làm việc và làm việc có hiệu quả. Chúng tôi không tha thứ cho sự chểnh mảng, vắng mặt, đánh nhau và không thực hiện những quy tắc của công ty...".
Thu nhập bình quân một tháng của người lao động Việt Nam tại Hawaii khoảng hơn 2.000USD. Chưa phải là cao với lao động phổ thông ở Mỹ nhưng đó là một nguồn thu nhập tương đối ổn với lao động Việt Nam, nhất là nông dân. Nhưng "chiếu" theo những quy định chặt chẽ của bên sử dụng lao động thì rõ ràng đây không phải là một cuộc đi chơi. Chỉ có những người nông dân có chí tìm kiếm thu nhập ở xứ người bằng chính công sức lao động của mình mới có thể làm được.
Chấp nhận thử thách
Đơn vị ở Việt Nam khai phá đầu tiên thị trường này (xuất khẩu lao động nông nghiệp sang Mỹ) là Công ty cung ứng dịch vụ hàng không (Airserco) thuộc Tông Công ty Hàng không Việt Nam. Ông Phạm Xuân Hậu - GĐ chi nhánh TP Hồ Chí Minh của Công ty nói: Cách đây hai năm, một đối tác Mỹ tìm đến chúng tôi để hợp tác đưa lao động Việt Nam qua Mỹ làm nông nghiệp với thu nhập ở mức dễ chịu. Qua hai năm tiếp cận và đàm phán, hai bên đã "vỡ" dần ra. Một thách thức lớn với Công ty chúng tôi là thị trường Mỹ hoàn toàn mới mẻ chưa hề có hiệp định giữa hai chính phủ về vấn đề lao động. Khó và rất khó. Nhưng những gì chúng tôi nắm được cho thấy chúng ta có thể khai thác thị trường mới này với nhiều khả quan".
Công ty Airserco tìm đến Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) để xin chỉ đạo. Cục trả lời: "Về nguyên tắc, Cục Quản lý lao động ngoài nước ủng hộ việc các doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác thị trường mới và thực hiện các hợp đồng mang lại thu nhập cao cho người lao động. Yêu cầu công ty tìm hiểu để có thêm thông tin về các quy định của Hoa Kỳ có liên quan đến việc tiếp nhận lao động Việt Nam vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; yêu cầu đối tác cung cấp tài liệu chứng minh khả năng tiếp nhận lao động Việt Nam vào làm việc theo visa loại H-2A, các tiêu chuẩn để tuyển chọn người lao động (về trình độ, kỹ năng, bằng cấp, kinh nghiệm, ngoại ngữ) đồng thời công ty phải chuẩn bị phương án tài chính đối với hợp đồng này (thu chi với người lao động để trình cục quyết định".
Tuy nhiên, đối tác chỉ cung cấp cho Airserco giấy phép của Cục Quản lý lao động bang California xác nhận Tập đoàn GHI có nhu cầu 272 lao động nước ngoài. Vì vậy công ty không thể trình cục giấy phép của Chính phủ Mỹ (đây là một trong những sự khác biệt trong quy định pháp luật của Mỹ so với Việt Nam).
Trong tình thế như vậy, Airserco mạnh dạn trình Cục Quản lý lao động ngoài nước phương án giới thiệu người lao động trực tiếp ký hợp đồng với đối tác. Số nông dân được giới thiệu là 12 người. Tập đoàn GHI đã trực tiếp phỏng vấn và chấp nhận 10 người, trong đó có một cán bộ thông thạo tiếng Anh làm công tác quản lý. Airserco chấp nhận toàn bộ rủi ro nếu như không thành công, không bao giờ để xảy ra bất cứ chuyện gì gây thiệt hại cho người lao động. Vì chưa có hiệp định giữa hai chính phủ nên Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ mới cho phép Airserco làm thí điểm.
Suốt hai năm chuẩn bị, ông Phạm Xuân Hậu gần như không một tuần thanh thản. Có những quy định của bạn thông thoáng thì ta lại chặt chẽ, ngược lại có những quy định của ta thông thoáng thì bạn lại chặt. Vấn đề là phải có những văn bản hợp tác ở tầm quốc gia, hoặc nếu chưa có thì ta cần có cơ chế thông thoáng hơn để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác được thị trường có thể đưa lao động đến Mỹ làm việc với số lượng lớn hơn. Thời hạn cuối cùng của đối tác đưa ra sắp đến, nếu không có quyết định sớm thì đối tác sẽ chuyển sang nước khác tuyển lao động. Đấy là một tình thế vô cùng thiệt thòi cho Airserco và người nông dân.
Ông Nguyễn Thanh Hòa - Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước thì cho biết, cục rất ủng hộ các doanh nghiệp có khả năng khai thác thị trường mới như Mỹ. Tuy nhiên, do mới mẻ nên phải làm thí điểm trước và phải thận trọng, xem xét cụ thể từng hợp đồng. Theo đó, quyền lợi của người lao động, môi trường làm việc thế nào, luật pháp của bạn, rồi quyền lợi quốc gia ra sao... Về lâu dài, để có quyết định cấp nhà nước về sự hợp tác này, cục sẽ báo cáo lãnh đạo bộ đề xuất cử nhóm công tác sang Mỹ khảo sát thật kỹ thị trường, đến tận nơi người lao động Việt Nam...
"Sau chuyến khảo sát này chúng tôi mới có thể báo cáo bộ và Chính phủ để có quyết định ở cấp nhà nước. Các doanh nghiệp có thời cơ đưa lao động sang Mỹ làm việc, chúng tôi ủng hộ nhưng phải thận trọng, tránh xảy ra hậu quả không hay..." - ông Hòa nói.
Hiện tại thì thời hạn đối tác đưa sắp hết, Airserco vô cùng sốt ruột và lo lắng. Thị trường mới đã mở, nhưng khi nào nông dân Việt Nam có thể sang Mỹ làm nông nghiệp một cách bình thường với tư cách đại diện cho một đất nước có nguồn lao động có chất lượng? Kết quả câu hỏi phải đang chờ Cục Quản lý lao động với nước ngoài.
Nguồn tin: Nhân dân |