"Cây hàg hoá"
Lâu nay, chưa thấy ai nói trồng mây để bán bởi mây bạt ngàn
trên rừng. Hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất bằng song mây cũng có xuất xứ từ
mây rừng. Nhưng chỉ "thác" mãi thì cái gì cũng hết. Thế nên, có một nơi người
dân đã đưa cây mây rừng về trồng ở vườn nhà. Và những cây mây ấy đã đem lại cho
cuộc sống người trồng một sắc diện mới.
Mây rùng thành mây vườn
Bản Nước Da xã Ba Vinh nằm dưới chân núi Cao Muôn gắn liền với
cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi) là nơi khởi điểm của chuyện trồng mây. Nghe
đồng bào dân tộc H’re kháo nhau chuyện trồng mây rừng mà thoát được nghèo nên từ
thị trấn huyện, chúng tôi vượt chặng đường dài hơn 20 km với nhiều sông suối để
được “mục sở thị”.
Ông Phạm Văn Dê, trưởng thôn Nước Da lôi hũ rượu cần ra mời
khách. Sau khi hút một hơi rượu, ông Dê hể hả nói: Mây là loài cây hoang dại,
mọc trên rừng. Từ lâu, dân bản muốn làm cái gùi, lên đó mà bứt, muốn làm cái ách
trâu tha hồ mà chặt… Rồi nhà nước mở đường, người dưới xuôi lên bản hỏi mua mây.
Họ bảo dân bản đưa đi xem khắp khu rừng rồi bứt mây đưa cho họ. Dân bản thật thà
thấy họ đưa chút tiền là mừng chẳng so đo gì cả. Chiều hôm đó, những dây mây
dài, trắng nuột nà theo chuyến xe tải rời bản về xuôi trong sự bàn tán của nhiều
người.
Cũng từ đó, mây trong rừng cạn đi, bởi người mua, người bán
lùng sục quá nhiều. Riêng ông Dê, từ lúc cầm đồng tiền lại thêm những suy nghĩ
mông lung. Cho đến một hôm, ông dậy từ canh ba, nổi lửa nấu cơm gói thành nắm bỏ
vào gùi, vượt suối Loa, cuốc bộ vượt 25 cây số đến thị trấn. Giờ ông đã hiểu họ
mua dây mây làm gì. Mây rừng được gom từ nhiều nơi rồi chất lên xe tải chở về
bán cho cơ sở dưới xuôi làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Ông Dê nghĩ bụng, cây mây ở rừng mình quý thật, phải có cách để
luôn có dây mây đem bán và để dùng. Về đến bản, ông cất tiếng gọi những già làng
đến bàn bạc. Câu chuyện kéo dài, đến khi gà rừng trên bản gáy báo hiệu một ngày
mới thì các già làng đi đến quyết định: lên núi, tách mây rừng đem về trồng trên
rẫy cho thật nhiều để bán, còn như họ không mua thì mình làm cái bẫy, dây nỏ bắt
con thú rừng hoặc đan gùi mà đeo lên rẫy…
Ông Dê rút cây rựa đi rừng dài khoảng 1,5mét từ mái nhà rồi
khoát tay ra hiệu cho tôi đi về phía chân núi Cao Muôn. Qua khỏi con dốc dài đã
thấy những những rừng mây gai sắc, lá xanh rờn.
Thực ra, sau lần bàn bạc, “hạ quyết tâm” đó, ở bản cũng chẳng
có mấy ai trồng. Riêng ông Dê, việc đầu tiên là rào lại khoảnh vườn đồi để lũ
trâu khỏi phá. Mùa mưa đến, ông lẳng lặng vác thuổng lên rừng tách những bụi mây
to đem về rẫy trồng. Để đất khỏi bị rửa trôi, ông Dê trồng theo kiểu vành đai
dọc sườn núi, luống trên cách luống dưới chừng 3 mét. Sau 3 năm trồng, mây nẩy
mầm thành bụi và thân khá dài. Ông Dê tuốt lấy mỗi bụi năm, bảy sợi đem cân bán.
Mùa sau, rẫy mây của ông cho thu hoạch nhiều hơn mà chẳng cần bón phân, nhổ cỏ.

Dân bản thấy ông Dê trồng mây bán được tiền, kéo nhau đến coi
rồi cùng về cải tạo lại rẫy và ngược đường lên núi tách bụi mây đem về trồng.
Bây giờ, 46 hộ trong bản ai cũng trồng mây, người trồng nhiều 3 - 5 ha, người
trồng ít cũng trên 1 ha. Chuyện trồng mây rừng trên rẫy lan dần ra toàn xã Ba
Vinh.
Ông Dê đưa chúng tôi đến nhà chị Phạm Thị Láy. Trong ngôi nhà
sàn thoáng rộng, chị nói: “Dân bản trồng lúa, trồng mì, nuôi heo để có cái ăn và
mua sắm thường ngày, còn trồng mây là “của để dành” để làm nhà, cho con đi học.
Nhà mình mỗi năm bứt mây bán được vài triệu, rồi góp tiền mua ngói, mua gạch.
Sau 3 năm thì xây được ngôi nhà này”. Chị chỉ cho chúng tôi thấy những ngôi nhà
sàn, chòi đựng lúa làm bằng khung gỗ, mái lợp ngói, bảo: “. Cũng nhờ có cây mây,
dân bản mình mới có cái bán ra bên ngoài mà mọi người gọi là “cây hàng hóa đó”.
“Công nghệ ươm mây”
Câu chuyện trồng mây từ bản Nước Da xã Ba Vinh lan dần đến các
xã Ba Điền, Ba Thành và diện tích trồng mây cũng tăng lên từ đó. Nhu cầu về cây
giống vì thế ngày càng tăng. Nhiều người, muốn trồng mây, nhưng cứ đi hết rừng
này đến rừng khác để kiếm mà chẳng thấy. Chính quyền địa phương thấy chuyện
trồng mây của bà con là đúng hướng bèn nghĩ cách hỗ trợ. Thế nhưng, đây là loại
cây rừng, chưa thấy nơi nào ươm giống thì biết làm sao. Đang lúc còn tính kế thì
vườn ươm mây giống của anh Huỳnh Văn Nam ở khu vực Bến Buông, xã Ba Thành xuất
hiện. Gọi là vườn ươm cho oai nhưng thật ra chỉ có 200 mét vuông đất phía trước
nhà.
Anh Nam không phải dân gốc ở xứ này. Năm 1983, anh làm việc ở
lâm trường Ba Tơ sau đó nghỉ chế độ. Thấy bà con trồng mây nhưng thiếu giống,
anh Nam chợt nhớ ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh quê anh có những rừng mây bạt
ngàn nên viết thư về quê nhờ bạn bè gom hạt vào ươm giống… Anh Nam kể, năm đầu
tiên chưa biết rõ về cây mây nên khi bỏ hạt vào bầu, bón phân, tưới nước không
nảy mầm. Bí quá anh đi lục tìm trong các thư viện nhưng chẳng kiếm được tài
liệu,đành lang thang trên rừng cả tháng liền để tìm hiểu.
Anh vỡ lẽ: Đến mùa, mây ra bông rồi kết trái, trái chín rớt
xuống lớp đất phải có mùn và độ ẩm khá cao mới nẩy mầm lên xanh tốt. Năm 2003,
Nam lại khăn gói về quê mua giống nhiều hơn rồi mua mùn cưa, phân chuồng vào túi
nilông để ươm hạt giống và theo dõi tưới nước cho thật đều. Thế rồi, những hạt
mầm xanh nhú lên dày hơn. Năm đó, Nam thắng lớn với trên 150 nghìn túi cây
giống, bán 1.500 đồng/cây, thu được số tiền kha khá. Đến năm 2004 và cả năm này,
Ban định canh định cư của huyện xuống vườn của nam tham quan và đặt hàng để cấp
cho bà con trồng trong rừng phòng hộ. Riêng anh Nam nhận thấy ươm mây giống sống
được nên cho bắc lại hệ thống bơm nước và thuê vài chục lao động đến vào bao,
giâm hạt.
Bây giờ, diện tích trồng mây ở Ba Tơ đã lên đến 200 ha, trải
dài qua các xã Ba Vinh, Ba Thành, Ba Điền, Ba Bích, Ba Lế. “Trước đây, những
cánh rừng khoanh nuôi phòng hộ hay bị chặt cây lấy gỗ nhưng từ khi cấp giống cho
đồng bào trồng mây, lâm tặc ít phá hơn bởi bà con đến thăm rừng thường xuyên và
gai mây cũng sắc. Cũng nhờ trồng mây, đồng bào có thêm nguồn thu nhập, làm của
để dành nên gắn bó với rừng hơn” - Trưởng ban định canh - định cư huyện Lê Quang
Nga phấn khởi nói như vậy.
Nguồn tin: Võ Quý Cầu (SGGP) |