Người đạt năng suất mía kỷ lục - 286 tấn/ha
Ở xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) – quê ông Bảy Hóa, có 615 hộ trồng mía. Hơn 10 năm trước trên vùng đất phèn này, ai trồng mía đạt năng suất từ 100-120 tấn/ha, thì coi như "vua mía" rồi. ^Mới năm ngóai có vài người trồng mía (bằng giống mới) đạt gần 200 tấn/ha, đã là "kỳ tích" mới trong suốt gần nửa thế kỷ trên đồng mía Phụng Hiệp. Anh Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân cho biết: Trong 1.800 ha mía của xã, có đến hơn 50% diện tích được bà con nông dân chuyển đổi trồng bằng giống mới như ROC 16, ROC 22, QĐ 11... năng suất trung bình từ 180-200 tấn/ha. Nhưng ông Bảy Hóa đã đạt giải "quán quân" bằng năng suất "xưa nay hiếm" - 286 T/ha. Kỹ thuật trồng mía của Bảy Hóa "nửa tân, nửa cổ", thật ra cũng đơn giản: Mía giống trước khi đem đặt, ngâm nước 24 giờ (hom mía thì chặt dài không quá 30cm), sau đó vớt lên ủ sơ cho mát giống. Mặt liếp trồng đánh hốc sẵn ít nhất cũng 1 tuần trước. Xúc bùn non dưới kênh mương đổ lót hốc.
Khoảng cách giữa 2 đầu hom, từ 10-15 cm, đừng sợ hom thưa vì càng thưa, con mía càng nhiều.. Đến khi mía mọc chồi được 10-15 ngày tuổi, thì "chơi" cho nó khoảng 75 kg phân ure/ha. Chừng mía được 30-40 ngày tuổi, đây là trong giai đoạn mía đâm chồi, đẻ nhánh thi cho nó "ăn" phân lần 2: Khoảng 200 kg/ ha (gồm ure 50kg + NPK 20-20-15, 150kg) và 10kg thuốc BAM để ngừa sâu đục thân.
Đến lúc cây mía được 90-100 ngày tuổi - đã có lóng lên cao, nó thèm "ăn" đất, nên cần bơm cho nó một ít bùn non vào hốc, hoặc băm tơi đất khô đậy kín hom mía (vô chân ấm). Đến giai đoạn mía đã được 120 ngày tuổi, cây mía đã buông lóng khá dài, cần cho nó một lượng phân thích hợp để nuôi thân mau lớn: 75kg phân ure, 150kg phân 25-25-5, cho 1ha, sau đó cho đất xuống đầy hốc mía, để tránh mía bị đổ ngã. Mía ngậm đất ăn no, mình cũng cần nghỉ xả hơi chờ mía tròn 150 ngày tuổi trở lên, đây là giai đoạn cây mía đã trưởng thành. Ta làm cỏ, đánh lá chân, loại bỏ những cây con đèo đẹt, cũng cần bổ sung thêm cho mía một lượng phân cần thiết. Nhưng với kinh nghiệm nhiều năm, lần vô phân này bảy Hóa dùng máy bơm, bơm bùn thẳng vào gốc mía. Một tuần sau, đất bùn đã khô, tiếp tục ém đất phủ gốc (vô chân đạp). Nếu thấy cây mía vẫn còn "quá sung" thì cắt bớt cữ phân, để cho nó ăn đất mà sống và cây mía cũng không bị "ngộ độc" vì quá dư phân. Với cách làm như vậy ông Bảy Hóa không rõ có đúng kỹ thuật theo sách vở không? Nhưng có điều mía thì đạt năng suất thực tế là như vậy.
Năm rồi, ông Bảy Hóa áp dụng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Nhà máy Đường Vị Thanh, trồng 1ha đất liếp, chỉ tốn hơn 6 tấn mía giống loại QĐ 11, trong khi mấy năm trước trên diện tích này trồng Hoà Lan tím, cần tới 10 tấn giống. Giống QĐ 11 cũng nhẹ phân hơn so với giống cũ. Trước mắt tôi là căn nhà tường ba gian, khá lộng lẫy của "Quán quân" Bảy Hóa. Ông cười thật tươi "Xây nó lên bằng mía à nghen!". Trong gian chính căn nhà bày biện nhiều đồ dùng khá tân thời. Trên tường treo la liệt những giấy khen, bằng khen, danh hiệu nông dân sản xuất giỏi...
Nguồn tin: NNVN |