Những nông dân triệu phú ở Mễ Sở
Ði từ đầu xã đến cuối xã, từ trong làng ra ngoài đồng, đồng đất của Mễ Sở không còn bóng dáng của cây lúa. Những vườn cây ăn quả, cây cảnh đang cho người Mễ Sở thu hoạch từ 50 đến 100 triệu đồng/ha, thậm chí lên đến 150 đến 250 triệu đồng/ha. Mễ Sở đang trở thành vùng nông thôn điển hình trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong cả nước.
Về Mễ Sở - một xã nằm dọc theo đê sông Hồng thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên - những ngày cuối năm, chúng tôi bắt gặp những chiếc ô-tô biển số các tỉnh chở đầy cam, quất đi từ trong làng ra. Sắc vàng trải rộng trên những cánh đồng quất, vườn cam đang vào vụ thu hoạch.
Ði từ đầu xã đến cuối xã, từ trong làng ra ngoài đồng, đồng đất của Mễ Sở không còn bóng dáng của cây lúa. Từ hơn 15 năm nay, gần 400 ha canh tác trồng cây ăn quả, cây cảnh ở Mễ Sở đã là những cánh đồng 50 đến 100 triệu đồng/ha. Thậm chí có hộ gia đình cho thu nhập 150 đến 250 triệu đồng/ha, đó cũng đang là tiêu chí phấn đấu của những người nông dân Mễ Sở. Mễ Sở đang trở thành vùng nông thôn điển hình trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong cả nước.
Ngôi nhà hai tầng của cựu chiến binh Nguyễn Văn Nho, 81 tuổi, nằm lọt thỏm trong những vườn cam Canh tuy không mới và hiện đại như nhiều ngôi nhà ở Mễ Sở bây giờ nhưng nó cũng là niềm mơ ước của nhiều gia đình nông thôn hơn mười năm trước. Ông Nho chắt chiu từ tiền bán quất, cam, để xây ngôi nhà. Ông tự hào rằng đến bây giờ sáu người con ông đều có cuộc sống khấm khá và có điều kiện cho con cái học hành cũng từ những vườn quất, vườn cam ấy. Anh Ân, con trai ông đưa tôi đi xem vườn trồng cam mà gia đình anh mới mở rộng diện tích, anh cười nói: "Với vườn cam mới này, nếu mưa thuận gió hòa, Tết năm nay tôi có thể cầm chắc 100 triệu đồng/ha lắm. Cây cam Canh giờ đây không phải là cây xóa đói, giảm nghèo mà chính là cây làm giàu ở Mễ Sở đấy".
Còn nhớ, từ năm 1986 trở về trước, người dân xã cần cù lao động trên mảnh đất màu mỡ vốn được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng nhưng làm ăn manh mún nên vẫn có nhiều hộ đói. Để thoát nghèo đói, tiến lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất này, người Mễ Sở đã quyết định chuyển đổi diện tích trồng lúa, trồng cây rau màu sang cây ăn quả, cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao với phương châm "lấy ngắn nuôi dài, không để thất bại".
Một số người khăn gói về làng quất nổi tiếng ven hồ Tây là Quảng Bá, Nghi Tàm xin làm thuê để học nghề trồng quất. Họ đưa cây quất vào trồng thử nghiệm và kết quả đạt giá trị kinh tế cao gấp ba, bốn lần so với trồng lúa. Từ chỗ phải nhập cây giống, Mễ Sở tạo được giống quất của riêng mình và chiếm lĩnh thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Sau cây quất, người Mễ Sở mạnh dạn trồng táo, cam xen lẫn cây dược liệu, hương liệu như bạc hà, húng quế, bạch chỉ... Xã chỉ đạo cho nông dân, ai có điều kiện chuyển đổi cây trồng cứ tiến hành chuyển đổi, nếu thiếu tiền vốn, kỹ thuật xã tạo điều kiện cho vay tiền ngân hàng. Có năm cao điểm vốn vay để đầu tư cho nông dân lên tới 36 tỷ đồng. Giờ đây, trong số các loại cây thì quất cảnh và cam Canh trở thành cây "đặc sản" mũi nhọn cho nông dân Mễ Sở làm giàu.
Vợ chồng anh Tư ở thôn Nhạn Tháp mấy năm trước dù trồng được nhiều rau đem bán nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, chật vật mới xoay sở đủ ăn chứ nói gì đến phần dư dả mà dành dụm tiền đi tham quan đây đó như bây giờ.
Chiếc xe máy, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại... từng là niềm mơ ước của nhiều nhà, giờ thì những nhà "tầm tầm" như nhà anh Tư đều có thể sắm sửa khá đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như thế. Còn những thứ như ti-vi, bếp ga thì gần như nhà nào cũng có. Chưa kể hiện xã có tới 70 chiếc ô-tô.
Vừa lúi húi chăm sóc vườn cam mới trồng, anh Tư cho biết, vụ cam năm nay có vẻ vất vả hơn năm trước bởi gia đình anh mới trồng thêm 2 sào cam Canh. 3 sào năm ngoái đã cho thu hoạch 2 tấn. Anh khoe: "Một tấn cam bán tận vườn cũng được 20 triệu đồng, hy vọng vụ này gia đình tôi thu được nhiều hơn năm ngoái".
Thấy giá trị của cam Canh ngọt, mọng nước và mỏng vỏ được thị trường ưa chuộng, nhiều hộ ở Mễ Sở bên cạnh giống cam Vinh bắt đầu trồng thêm diện tích cam Canh. Tuy cây "đặc sản" cam Canh thích hợp với đồng đất Mễ Sở, song không phải là cây dễ trồng. Theo kinh nghiệm của những người trồng cam Canh, giống cam này muốn cho cây ra đều và sai quả, người trồng phải chú ý chăm cây theo từng giai đoạn phát triển như tiện quanh gốc để cây ra quả, giữ cho cây không phát nhiều lộc, nếu thời tiết khắc nghiệt phải có cách bảo vệ quả...
Khác hẳn với tư duy tiểu nông trước kia, dân Mễ Sở sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng đấu thầu dài hạn các ô ruộng lớn để trồng quất, cam, rồi kỳ công mua đất bồi bãi sông Hồng để cải tạo ruộng. Xã thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ thuật trồng trọt, giúp các bà con nắm vững và hiểu sâu về các phương pháp khoa học trong việc chăm sóc, bảo vệ từng loại cây trồng cho năng suất và chất lượng cao. Dân Mễ Sở không chỉ bán quất cảnh trong dịp Tết mà họ còn trồng quất bán buôn quanh năm cho các chợ lớn.
Ðứng giữa ruộng quất đỏ rực quả, Lê Anh Tuấn, một ông chủ trẻ năng động ở Mễ Sở có vẻ rất vui: "Quất cảnh, cam Canh ở hầu hết các ruộng đều được khách hàng lớn từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Lạng Sơn, Nghệ An... "đặt chỗ" mua trọn gói ngay từ tháng 10. Còn lại mới đem bán lẻ...". Với 8 sào cam, 4 sào quất cảnh, năm nào anh cũng thu được ngót 180 triệu đồng và nằm trong số những nông dân triệu phú ở Mễ Sở có cánh đồng trên 100 triệu/ha.
Người dân Mễ Sở áp dụng nhiều công thức canh tác từ xen canh, luân canh đến chuyên canh các loại cây trồng. Người dân cải tạo những chân ruộng trũng trồng cây cảnh. Những phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang phát huy hiệu quả ở Mễ Sở đang là mô hình sản xuất mà nhiều nơi học tập.
Không chỉ đoàn khách Mông Cổ mà cả đoàn nông dân của huyện Quốc Oai, Hà Tây hôm ấy thật sự ngỡ ngàng khi bước vào khu vườn cây cảnh rộng tới 6.000 m2 của ông Ðặng Ngọc Ða. Thời điểm mà Mễ Sở bắt đầu trồng nhiều cây cảnh thì cũng là lúc ông Ða về nghỉ hưu và bắt đầu cải tạo khu vườn này. Vườn của ông nằm bên đường liên xã, được thiết kế đẹp, rất lãng mạn và có rất nhiều loại cây cảnh quý.
Theo ông Ða, chơi cây cảnh là phải biết tạo thế cây. Một cây được coi là quý và đẹp chính là ở cái thế của nó. Ðể tạo những cây thế ưng ý, có khi ông phải mất vài năm. Cây thế ông Ða như bách, tùng, vạn tuế, duối, lộc vừng, đa, khế có tiếng khắp vùng và đuợc nhiều người tìm mua. Có những chậu cây cảnh lên tới hàng chục triệu đồng. Trong vườn lan của ông còn có nhiều giống lan quý như đai trâu, tam bảo sắc, đuôi chồn, quế lan hương... Những vườn cây cảnh đã mang về cho người dân Mễ Sở những khoản thu mà cả đời trồng lúa không có được.
Từ việc dồn đổi ruộng và khai thác diện tích đất trũng, ao hồ trong xã, nông dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình vườn - ao - chuồng để phát triển trang trại, vườn trại. Ðến nay, Mễ Sở có 28 trang trại, vườn trại với diện tích hơn 43 ha. Trong số hơn 100 hộ chăn nuôi, hộ lớn có vốn đầu tư là gần 1 tỷ đồng, hộ nhỏ là 20 triệu đồng, phải kể đến trang trại chăn nuôi lợn của anh Ðào Tất Hiệp hằng năm cho thu lãi hằng trăm triệu, đồng.
Anh Nguyễn Thanh Long cũng có nhiều kinh nghiệm nuôi lợn nhưng từ ngày hai con trai vào đại học, gia đình anh chỉ nuôi hơn 50 con lợn. Anh khoe: "Dân Mễ Sở rất nhạy bén với thị trường, lấy nguồn nguyên liệu của mình phát triển nghề làm ruốc cung cấp cho thị trường các tỉnh, một nghề đang mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình".
Mễ Sở đang phát triển nhiều ngành nghề mới như mộc, xây dựng, cơ khí, chế biến nông sản, nghề làm ruốc, bún, tạo việc làm cho lao động địa phương và mang lại nguồn thu nhạp đáng kể cho người nông dân. Làn sóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao làm cho bộ mặt kinh tế của Mễ Sở thay đổi nhanh chóng.
Ông Trần Văn Bính, Phó bí thư thường trực Ðảng ủy xã cho biết, xã đang đầu tư gần 1 tỷ đồng hoàn thiện trường trung học cơ sở, tiến tới đạt chuẩn quốc gia cùng với trường mầm non và tiểu học của xã. Thư viện và trung tâm văn hóa xã được đầu tư nhiều đầu sách mới, đặc biệt những sách nông nghiệp và khoa học ngày càng được người nông dân Mễ Sở quan tâm.
Nguồn tin: Nhân dân |