Ông chủ dưa
Theo chân các cán bộ khuyến nông và Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam,
chúng tôi về huyện Lý Nhân để tìm hiểu tình hình trồng và tiêu thụ dưa chuột bao
tử vụ đông năm 2005. Đây là vùng trồng dưa nguyên liệu các loại lớn nhất miền
Bắc, hàng năm cung cấp hàng trăm ngàn tấn cho các nhà máy, công ty, xí nghiệp
của Nhà nước và tư nhân để chế biến thành các sản phẩm đóng lọ, đóng hộp,
muối...
Được hỏi về đơn vị trồng và tiêu thụ nhiều dưa bao tử nhất
huyện, anh Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm HTX Nhân Nghĩa vui vẻ giới thiệu: "Huyện
Lý Nhân hiện có 3 "cai" trồng và tiêu thụ nhiều dưa bao tử nhất vùng là "cai
Hiền", "cai Lôi" và "cai Long", trong đó cai Long có diện tích, sản lượng lớn
nhất, làm ăn đứng đắn, sòng phẳng, giữ được uy tín với bà con nông dân và các
nhà máy xí nghiệp trong nhiều năm qua". Tò mò trước lời giới thiệu của Chủ nhiệm
HTX Nhân Nghĩa, chúng tôi tìm gặp anh Ngô Quang Long ở xóm 5, thôn Đồng Lư, xã
Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam-người được bà con quanh vùng yêu mến gắn
thêm cho các biệt danh như "cai dưa", "Long dưa" và cả tước vị "vua dưa".

Anh dẫn chúng tôi đi thăm hết các vùng trồng dưa chuột bao tử
mà anh đang ký hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm với 6 HTX: Chân Lý, Bắc Lý,
Tân Lý, Nhân Nghĩa, Nhân Đạo huyện Lý Nhân và Đồng Dư (huyện Bình Lục), với 43ha
chia làm 2 trà cách nhau 1 tuần. Trà đầu 21ha trồng từ đầu tháng 9 âm lịch hiện
bắt đầu cho thu hoạch, trà sau cây bắt đầu lên giàn và đang ra hoa, sẽ cho thu
hoạch sau 1 tuần nữa. Ngoài dưa chuột bao tử năm nay anh Long còn đầu tư trồng
50 mẫu cà chua nhót ở Nghĩa Hưng, Nam Định để cung cấp cho các nhà máy đóng lọ
xuất khẩu. Năm ngoái do thời tiết bất thuận chỉ thu hoạch được trên 800 tấn dưa
giao cho các nhà máy.
Vụ xuân năm nay anh đã bán được hơn 700 tấn, dự kiến vụ đông
này anh sẽ giao tiếp 1.000 tấn nữa. Khách hàng của anh là các nhà máy chế biến
thực phẩm ở Nam Hà, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang và các Xí nghiệp,
doanh nghiệp tư nhân ở trong huyện và các tỉnh lân cận. Phương thức tổ chức sản
xuất của anh là ký hợp đồng trồng và thu mua sản phẩm của bà con nông dân thông
qua các HTX và ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu thường xuyên cho các cơ sở chế
biến. Anh mua và cung cấp hạt giống, đầu tư một phần chi phí vật tư, phân bón
bằng tiền mặt ứng trước cho các hộ gia đình thông qua các HTX rồi sẽ khấu trừ
khi thu mua sản phẩm. Đây là một phương thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ khép kín
rất hiệu quả của tư nhân được duy trì mấy năm qua góp phần thúc đẩy sản xuất
phát triển tại địa phương trong khi nhiều doanh nghiệp Nhà nước bỏ nhiều công
sức, tiền của đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mà vẫn không thành công.

Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự 2 năm, Ngô Quang
Long trở về địa phương với trình độ PTTH khó kiếm được việc làm. Lúc đầu anh xin
đi nhặt dưa cho một nhà máy chế biến thực phẩm ở TP. Nam Định được mấy tháng rồi
bị mất việc do nhà máy gặp khó khăn. Từ kinh nghiệm thu mua dưa dần dần anh trở
thành cai đầu dài cho một số nhà máy, xí nghiệp trong vùng về thu mua nguyên
liệu. Tuy là cai đầu dài nhưng anh tổ chức thu mua của dân, bán cho các nhà máy
sòng phẳng, đúng hẹn nên duy trì được chữ tín với khách hàng. Một vài năm gần
đây do nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu dưa bao tử lớn, diện tích trồng bị thu hẹp
dẫn đến khách hàng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh nhau về giá cả, anh chuyển
sang trực tiếp đầu tư sản xuất khép kín từ khâu tổ chức trồng đến bán sản phẩm
nên thu nhập ngày càng cao, lợi nhuận ngày càng lớn.
Nguồn tin: NNVN |