Chủ trang trại CITES Ba Vũ
Việc gây nuôi, đánh bắt, buôn bán các loại động vật hoang dã quý hiếm đang diễn ra rất phức tạp và còn rất nhiều việc phải làm ở cả cấp vĩ mô và vi mô. NNVN đã phỏng vấn ông Ba Vũ - một cựu chiến binh nuôi ba ba giỏi ở vùng ĐBSCL…
Chào ông Ba Vũ (tên thật là Châu Xuân Vũ, Giám đốc trang trại gây nuôi mậu dịch thú hoang dã quý hiếm, còn gọi là CITES Ba Vũ ở tỉnh Vĩnh Long)! Xin cho biết ông ra Bắc lần này để làm gì?
Theo lời mời của ông Nguyễn Gia Tôn- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại Hà Nội. Chủ nhiệm HTX Thương mại dịch vụ Phương Liệt, là doanh nhân Việt Nam năm 2004, để thực sát, tư vấn quy trình nuôi ba ba tại chi nhánh đầm Quèn Thị, xã Cao Dương, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Ông đã khởi sự nghề nuôi ba ba này như thế nào?
Năm 1987 nghe người ta nói ông Nguyễn Xuân Khu ở 48 Trần Quang Diệu, Hải Tân, TP Hải Dương đã nuôi ba ba rất thành công. Thế là tôi ấp ủ, chuẩn bị. Đến năm 1989 tôi gom toàn bộ gia tài của mình và vay mượn thêm xung quanh, được tất cả 97 triệu đồng (lúc bấy giờ là lớn lắm) rồi ôm hết ra tận nhà ông Khu để học hỏi. Sau 20 ngày học và chờ ba ba nở, tôi mua 2.000 con giống với giá 45.000 đ/con, rồi đem về thả nuôi theo cách chỉ dẫn của ông Khu. Rất buồn là chỉ 3 ngày sau khi thả giống xuống thì ba ba chết hàng loạt. Lúc đó gia đình tôi đang gặp khó khăn, rất túng bấn. Thế là sau gần 2 năm mất ăn mất ngủ với 2.000 con giống, chỉ có 79 con cho thu hoạch, vẻn vẹn được 31 triệu đồng.
Sau đó thì sao?
Thua keo này bày keo khác! Tôi lại gom góp, vay mượn mua tiếp 2.000 con giống nữa với giá 40 nghìn đồng con rồi đem về nuôi theo cách của tôi. Sau 2 năm đã có 719 con cho thu hoạch được 227 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng. Từ thực tế này tôi đã tự phát kiến được cách nuôi ba ba. Tuy nhiên cái giá đã phải trả là không nhỏ, vì hầu như mỗi một khâu ứng dụng tôi đều phải đóng học phí rất đắt để tiếp nhận những mớ kiến thức dởm. Có thể nói là tôi đã vào nghề nuôi động vật hoang dã nói chung và nghề nuôi ba ba nói riêng với chồng chất khó khăn, từ đồng vốn, cách làm, cách nuôi, quy chuẩn, cách đóng gói, vận chuyển, cách buôn bán cho đến những thủ tục pháp lý hành nghề, cứ như "thằng mù đi khai phá rừng". Thế mạnh gần như duy nhất là sự hỗ trợ tuyệt đối của người vợ.
Nay thì ông Ba Vũ không còn là "thằng mù đi khai phá rừng" nữa mà đã là ông giáo đi dạy nghề nuôi ba ba.
ở nước ta hiện nay nghề này chưa được làm đúng cách. Chưa có một quy trình gây nuôi sát thực để vật nuôi có thể phát triển đạt quy chuẩn thương mại. Hầu hết các loại giống ba ba đang được mua bán trên thị trường là giống bị đồng huyết thống. Đối với loại bò sát một khi đã bị đồng huyết thống thì việc nuôi để đạt trọng lượng thương phẩm là rất khó khăn. Nghề nuôi ba ba không khó đối với những người nắm vững quy trình kỹ thuật nhưng lại rất khó, thậm chí thất bại nặng nề đối với những ai chưa nắm được quy trình mà đã dám mua con giống thả nuôi.
Hiện nay đã có rất nhiều ông vua ba ba, tướng ba ba, nhưng thực chất họ chỉ làm dịch vụ con giống, chỉ cần loại giống nào đẻ nhiều là họ mua rồi rao bán, quảng cáo dưới mọi hình thức, nhằm bán được thật nhiều để thu lợi nhuận thật lớn. Họ không cần quan tâm đến cái gọi là đạo đức nghề nghiệp mà chỉ tìm cách đánh vào tâm lý của rất nhiều đồng bào đang muốn nuôi ba ba...
Thành tích đã được ghi nhận? Một lần được Thủ tướng tặng bằng khen. 5 lần được tuyên dương điển hình toàn quốc. Trang trại CITES Ba Vũ đã được nhiều quan khách, nhiều nhà khoa học và rất nhiều bạn hàng đến thăm quan. Tại Hội nghị cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi tổ chức ở Hà Nội ngày 24/ 9/2004 Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã phát biểu khen ngợi Giám đốc Cites Ba Vũ là "kiên cường, sáng tạo, nghiêm chỉnh và nhân ái". Sau Hội nghị tôi còn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng và sau đó là mời đến nhà thăm hỏi, chụp ảnh lưu niệm. Xin cảm ơn NNVN đã ủng hộ quan điểm của tôi.
Cám ơn ông. Chúc ông luôn xứng danh là "Người trong cuộc".
Nguồn tin: Phạm Việt Thư (Báo nông nghiệp) |