Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Nông dân thành đạt

Chợ cỏ miền Tây…

Trên bờ sông gần cầu Phú Cường (Bình Dương), chiếc ghe neo đậu đã thấy chất đầy cỏ. Anh thanh niên đen nhẻm đứng gần đó vẫn thoăn thoắt cắt thêm, cỏ chất từng gò, được bó lại cẩn thận. “Đợi thêm chiếc ghe khác đến lấy”. Anh thanh niên giải thích. Nhà nuôi bao nhiêu con bò mà cắt nhiều cỏ đến vậy? “Không! Cắt cỏ này để đem ra chợ cỏ thành phố bán!”.
Đầy vơi theo con nước

Cái chợ mà anh thanh niên Thạch Dưỡng đem cỏ đến bán đóng tại ấp 5, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Khác với chợ thường, chợ ở đây chỉ bán mỗi cỏ. Cỏ được cột cẩn thận thành từng bó, cỏ nằm đầy ắp ghe, cỏ nằm dọc lề đường, cỏ phủ kính những chiếc xe máy, máy cày cũng chất cỏ cao ngất ngưởng… Chợ cỏ chỉ nhóm họp vào thời gian nửa buổi chiều đến chạng vạng tối, vì tùy thuộc theo con nước. Hễ nước lên thì họp sớm. Cũng có khi phải đợi đến bảy tám giờ tối chợ mới bắt đầu họp, vì lúc này nước mới rong đầy, ghe mới cặp bến được.. Cũng chính vì nét đặt thù này mà chợ cỏ nằm theo bến cầu của những con rạch, con sông theo tập quán người Nam bộ. Phiên chợ họp rồi tan rất nhanh khi cỏ đã được kẻ bán người mua trao tận tay cho nhau sau khi thuận mua vừa bán. Mùa nắng, chủ bò khó kiếm cỏ, chợ cỏ hoạt động rầm rộ hơn mùa mưa.

Lúc chúng tôi đến gần 6 giờ chiều, trên bờ ba máy cày cải tiến, cỏ đã được chất lên, ràng, buộc cẩn thận. Các bác tài chờ lấy “phiếu” từ bà chủ trẻ chưa đầy 30 tuổi ngồi ghi ở căn nhà nhỏ góc đường, chuẩn bị cho xe lăn bánh. Trong khi đó, hai bên chân cầu, hai chiếc máy cày khác cũng đang khẩn trương chất cỏ lên xe, cùng gần chục ghe đầy cỏ, tất cả nằm ngăn nắp dưới chân cầu. Anh Minh, chủ vựa cỏ tại đây, vừa phụ đám thanh niên chất cỏ lên xe, vừa trả lời: “Mỗi ngày, tôi cung cấp từ 8 đến 10 tấn, nay lên gấp đôi, gấp ba. Mùa nắng là vậy, tranh thủ mấy ngày này. Mùa mưa kém nhất, nhưng phải giữ năng suất này, vì mối lái đã đặt hàng hết cả rồi, không thể để mất uy tín”.

Bất chợt, từ giữa con rạch, anh thanh niên đánh trần, đứng thẳng người trên một chiếc ghe chở khẳm cỏ, tay giơ cao bó cỏ quẩy qua quẩy lại. Anh không nói lời nào, nhưng tôi hiểu anh đang có ý khoe một ngày gặt hái thành công bằng những chuyến lợi phẩm khẳm đầy ghe như thế này. Trên 2 bờ cầu, từng đoàn xe gắn máy đậu nối đuôi nhau. Các chủ xe tụm năm, tụm bảy “tán dóc” chờ cỏ về, đều đổ dồn cặp mắt vào anh thanh niên này. Họ trầm trồ: “Thằng Tân nay trúng mánh nên chiếc ghe đầy căng chạy không nổi nữa”.

Chợ đông đúc, nhộn nhịp kẻ bán người mua, nhưng không có tiếng ồn ào, chát chúa với những âm thanh khó nghe như âm thanh thường thấy ở những chợ kiểu khác… Kẻ bán, người mua ở đây có gương mặt chất phác, cần cù, lam lũ…

Hai huyện Hóc Môn và Củ Chi có con rạch Tra làm ranh giới, và cũng ở đây từ hai, ba năm nay đã hình thành những phiên chợ cỏ. Nếu dạo quanh những phiên chợ cỏ đang hoạt động như chợ cỏ cầu Bà Mễnh, cầu Bà Hồng, chợ cỏ cầu Rạch Tra…thì thấy ở đây quang cảnh hệt như nhau, chợ nhộn nhịp, hối hả, tấp nập người mua kẻ bán, rồi tan nhanh theo nắng chiều...

" Thợ" lúa thành "thợ"cỏ

Gọi là chợ cỏ Miền Tây vì chợ này do những người tứ cố vô thân từ Đồng bằng sông Cửu Long lên gây dựng sau cơn lũ kinh hoàng năm 2000. Họ vốn là đội quân cắt lúa chạy đồng, sau cơn lũ dữ ấy trở thành những người trắng tay, tha hương cầu thực. Họ mang tiếng là những người nông dân “chuyên nghiệp” bao đời gắn liền với cây liềm, cái cày, cái cuốc nhưng giờ đây đã không có được “cục đất để chọi chim”… Và cuộc sống khó khăn đã đưa họ trở thành “chủ nhân” của những chợ cỏ này. Những chợ này ngày càng lớn dần và trở thành vị “cứu tinh” của người nông dân ngoại thành.

Anh thanh niên Thạch Dưỡng và đội quân cắt cỏ thuê, gồm cả những người Khơ Me cùng quê, là Thạch Nhơn và Sơn Xiêng, cùng hàng chục người nửa Khơ Me, nửa Việt ở các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng... đã đầu quân cho đội cắt cỏ ở đây để kiếm sống. Vốn ở quê luôn cắt lúa thuê, cắt lúa chạy đồng, chạy lũ, nên lên đây cắt cỏ là chuyện không khó khăn gì đối với họ. Đội quân này được chia thành 3 ghe, mỗi sáng họ xuôi theo dòng sông Sài Gòn đến các nhánh kênh, rạch khắp các nơi cắt cỏ. Thậm chí họ còn đến tận Bến Cát, DầuTiếng, trên những con đê, bờ be, đầm lầy trũng nhiều cỏ mọc. Miễn là nơi nào có cỏ là họ tới.

Sơn Xiêng cho biết, cách đây vài tháng, mỗi ngày ông Ba Be chủ của anh chỉ bán được vài trăm bó cỏ. Thế nhưng gần đây, nhất là bước vào mùa khô, nhu cầu cỏ tăng cao, ông Ba Be phải tìm thêm nhân công từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về gia nhập đội quân cắt cỏ để đủ bán theo đơn đặt hàng của người chăn nuôi bò Củ Chi, Hóc Môn, Bình Dương. Một ngày, một thợ cắt cỏ chuyên nghiệp có thể cắt trên 100 bó cỏ, người nào giỏi có thể cắt được 150 – 180 bó. Lương cũng được chủ trả hậu đãi hơn, từ 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng/tháng. Cơm nước, thuốc men khi đau ốm được chủ lo hết. Anh bộc bạch: “Ở quê, chỉ làm theo mùa. Còn ở đây, được làm liên tục. Tiền làm bao nhiêu, còn y nguyên. Gởi về cho vợ con nó mừng. Hôm nào mưa gió trở trời, bệnh đau thì chủ vẫn lo tiền công và thuốc men. Vì vậy thích nghề cắt cỏ lắm”.

Có nhiều người mong muốn được làm việc tại chợ cỏ này. Anh Châu Văn Tân ca cẩm: “Có hôm bị rắn độc cắn, nằm liệt giường hơn tuần lễ, vậy mà vẫn có tiền gởi về quê cho vợ con. Công việc cắt cỏ, lặn lội ngoài đồng tuy cơ cực, nhưng vẫn quí nó anh à”.

Cỏ ở đây được bán với giá 1.000 đồng/bó (khoảng 6kg), chủ yều là những loại cỏ dại mọc ven sông rạch như cỏ voi, cỏ xả, cỏ lùn, cỏ phụng, cỏ mật, cỏ lúa ma… Tất cả được đánh đồng giá cả với nhau. Thứ cỏ dại này được giới chăn nuôi ưa chuộng vì giá rẻ, hàm lượng dinh dưỡng cao, bò sữa rất thích ăn…

Đội quân cắt cỏ của ông Ba Be không phải là duy nhất. Chúng tôi ghé chợ cỏ cầu Mười Lến, ấp 6, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Tại đây hàng ngàn bó cỏ được khẩn trương chất lên 4 chiếc công nông chuẩn bị đi giao hàng. Vợ chồng Minh, Phi vốn cũng xuất thân từ huyện Cần Giuộc - Long An, cũng dễ dàng thuê một đội quân hàng chục thanh niên vạm vỡ từ Đồng bằng sông Cửu Long về đây cắt cỏ cho mình. Hai vợ chồng họ làm chủ chợ cỏ này từ nhiều năm. Những người bán cỏ số lượng nhiều luôn đặt hàng trước. Ngoài ra, ở những chợ cỏ còn có đội quân bán cỏ nhỏ lẻ, phương tiện chở là xe gắn máy. Dầu vậy, cỏ cũng được phân phát đến tận chuồng trại nếu như khách hàng có nhu cầu đặt hợp đồng dài hạn.

"Vua" bò sữa...

Ông Nguyễn Hữa Danh ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn cho biết, nhà ông nuôi 130 con bò sữa, mỗi ngày mỗi con ăn khoảng 30kg cỏ tươi. Cắt cỏ không nổi, vả lại cỏ nhà cũng “mọc” không đáp ứng kịp, nên ông phải mua thêm 500 bó cỏ mỗi ngày. Nhưng ông bận túi bụi, không có cả thời gian đi mua cỏ, việc ấy đều giao khoán cho vợ chồng Phi – Minh ở chợ cỏ Bình Mỹ. Phần lớn Minh dùng công nông lạch tạch chở cỏ đến giao tận nhà cho những người như ông Danh.

“Mối lái” của Minh đã rải khắp địa bàn xã Đông Thạnh. Phần còn lại cô vợ để ngay chợ bán lẻ, ai có nhu cầu vài chục bó thì chiều chiều lại đánh honda ra chợ mua cỏ, mỗi chuyến xe hai ba chục bó chạy ù về nhà. Một “thầu” khác với quy mô làm ăn tương tự như Minh, là anh Cao ở ấp 4, Đông Thạnh, cũng với 2 chiếc công nông rong ruổi trên các con đường liên xã Củ Chi - Hóc Môn để mang cỏ từ chợ đến với các chuồng trại.

Nói đến "vua" bò sữa của xứ Tân Qui, Củ Chi, phải kể đến ông Tư Ngọc. Vốn là người thức thời, theo nghiệp nuôi bò sữa từ những ngày đầu tiên thành phố nhập bò Úc về theo chủ trương chuyển đổi vật nuôi. Từ vùng đang đô thị hóa Gò Vấp, ông bán hẳn cơ ngơi về Củ Chi để gây dựng một trang trại bò lên đến hàng trăm con. Ông dẫn chúng tôi ra cánh đồng mênh mông trước mặt, tặc lưỡi phân trần: “Các anh thấy đấy, mùa nắng ở đây khốc liệt lắm, cỏ không thể mọc được, vì vậy nếu không có chợ cỏ cung cấp hàng trăm bó mỗi ngày cho trang trại này, thì chỉ còn cách giải nghệ thôi”.

Quả thật trước mắt chúng tôi là một cánh đồng nắng cháy. Cái nắng hừng hực của tiết trời tháng ba như thiêu đốt mọi cây cỏ đang tồn tại ở đây. Vì thế người nuôi bò với qui mô lớn giờ chỉ còn biết trông chờ vào cái chợ cỏ mộc mạc, giản đơn kia. Vì thế, cái chợ cỏ càng có lý do để tồn tại lâu dài trên mảnh đất vốn khắc nghiệt, đang cần những bàn tay giúp sức để thay da đổi thịt.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp TP.HCM, hiện có khoảng trên 42.000 con bò sữa, và chủ trương của thành phố là đến 2005 đạt 50.000 con. Mỗi con muốn đạt sản lượng 4.200kg sữa/chu kỳ, thì mỗi ngày phải ngốn từ 30 – 35kg cỏ. Xem ra nhu cầu cỏ trong tương lai vẫn là một thị trường bỏ ngỏ. Thành phố dự kiến một chợ cỏ tại ngoại thành, nhưng đến nay vẫn chưa thành. Đây là tin vui với nhiều người, nhưng là chuyện tương lai. Còn hiện nay, những phiên chợ cỏ rải đều nhiều nơi đã góp phần cung cấp lượng cỏ không nhỏ, lại còn giải quyết việc làm cho những người không có tay nghề.

Nguồn tin: Quang Đạt (VietNamNet)


° Các tin khác
• Tích vốn bằng bò
• Lập nghiệp từ một con bò
• Chủ trang trại chăn nuôi gia cầm
• Đổi đời nhờ dê lai
• Người nhiều bò nhất Dân Chủ
• Người nhiều bò nhất
• Đôi vợ chồng giàu sáng tạo
• Ông Bảy thỏ
• Dê... giúp đổi đời
• Nuôi chim cút bằng 5 nuôi gà
• Một nông dân lập
• Cơ sở chăn nuôi heo quy mô lớn
• Trại 300 con heo
• Người nuôi bò giỏi nhất huyện Kiến Thuỵ
• Nuôi vịt trên vùng đồi
• Nuôi dê - cừu, thu nhập 100 triệu/năm
• "Vua dê cỏ"!
• Nuôi lợn trên vùng sơn cước
• Chuyện "Dân cày đường nhựa" nuôi heo
• Vua Vịt
• “Vua gà” ở Tuy Phước
• Người chăn nuôi giỏi ở thị trấn Lâm Thao
• Bắc Ninh: Nguy cơ từ những đàn gia cầm bị bỏ đói
• Ông chi hội trưởng đa tài
• Những triệu phú trên đất trung du
• Người nuôi đà điểu đầu tiên ở Bắc Ninh
• Nghề nuôi ngựa… đẻ
• "Vua Gà" đất Bắc
• “Vua bò úc”
• Vươn lên từ mô hình trang trại

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb