Chủ trang trại chăn nuôi gia cầm
Trong khi nhiều chủ trang trại chăn nuôi gia cầm chưa kịp "hoàn hồn" sau đại dịch cúm gia cầm vừa qua, thì anh Nguyễn Hữu Trường, xóm 8, xã Tân Thành (Vụ Bản, Nam Định) đã lấy lại được khí thế sản xuất. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, cộng với sự bình tĩnh, 1.200 gà mái đẻ Kabir giống gốc, và 800 ngan đẻ giống R17 (Pháp) của anh đã vượt qua cơn "bão" cúm.
Vốn cẩn tính, nên việc vệ sinh khu chuồng chăn nuôi gia cầm luôn được anh Trường đặt lên hàng đầu. Khi nghe những thông tin đầu tiên về dịch cúm gia cầm thì công tác vệ sinh, phòng bệnh cho ngan, gà càng được anh làm nghiêm ngặt. Thực hiện "sách lược", "nội bất xuất, ngoại bất nhập", anh cấm không ai được lảng vảng gần khu chuồng trại, ngay cả anh và mọi người trong gia đình trước khi cho ngan, gà ăn hay vệ sinh chuồng trại cũng phải thực hiện biện pháp sát trùng. "Nhưng tôi cũng một phen mất ăn mất ngủ, nhất là khi nghe tin dịch bệnh đã "mò" xuống Nam định. Có người xui tôi bán tháo hết ngan, gà đi cho rồi. Nhưng tôi nghĩ, được mấy đồng bạc mà bán, không khéo lại mắc tội "góp phần phát tán dịch" thì nguy"- anh tâm sự.
Nỗi lo trắng tay sau bao nhiêu năm tích cóp vốn liếng của anh chỉ được giải toả phần nào khi Cục Thú y Nam Định cử cán bộ về trại gà của anh kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ và cấp cho 6 lít dung dịch sát trùng. Chưa yên tâm, anh còn dùng các biện pháp cổ truyền như đốt bồ kết để xông khói, giã nát mấy kg tỏi khô hoà với nước phun khắp khu chuồng trại. Sợ nguồn bệnh có thể theo thức ăn mà "tấn công" đàn gia cầm, anh dừng hẳn việc mua thức ăn công nghiệp. Hàng ngày, anh xúc ngô, lúa trong bồ ra xay, nghiền, rồi đập chính những quả trứng mà đàn gia cầm đẻ, nấu thật chín cho chúng ăn. Kể từ khi có lệnh cấm lưu thông cho đến khi công bố hết dịch anh đã "chế biến" hơn 30.000 quả trứng theo kiểu ấy.
Anh cho biết: "Hơn 7 năm nuôi gia cầm thịt, gần 4 năm nuôi gia cầm giống, nhưng chưa bao giờ tôi gặp loại virus nào nguy hiểm như "con" H5N1, đến người nó còn "tấn công"... Vốn liếng đổ hết vào mua con giống bố mẹ, mua thức ăn; thuốc bảo vệ, máy ấp hiện đại... may mà tôi không lụn bại về tay nó". Năm 1996, con virus Gumboro đã cướp mất của anh nên 800 gà thịt, 500 gà đẻ. Sau đận ấy, anh bỏ cả tháng trời về trại chăn nuôi Quốc gia (Hà Nội), Trung tâm Giống Châu Thành (Nam Định) nhờ các kỹ sư chăn nuôi trực tiếp hướng dẫn mổ gia cầm, lấy bệnh phẩm để chẩn đoán dịch bệnh.
Trước năm 2001, anh nổi tiếng về chăn nuôi gà, ngan thịt, nhất là loại gà Tam Hoàng. Những năm đó gà thịt phục vụ cỗ bàn cho tiệc tùng, đám xá ở thành phố Nam Định chủ yếu do anh cung cấp. Anh cho hay: "Sở dĩ tôi chuyển sang sản xuất ngan, gà giống là vì thị trường gà thịt ở Nam Định đã bão hoà. Ngan bố mẹ thì - tôi lên trại giống Quốc gia bắt với giá 16.000 đồng/con, gà kabia tôi lấy giống tại Trung tâm Giống Châu Thành, giá gần 8.000 đồng/con. Từ khi mua về cho đến nay tôi luôn tuân thủ đúng biện pháp tiêm phòng, phun thuốc sát trùng chuồng trại. Có lẽ vì thế mà con virus H5N1 không có đất sống, đàn gia cầm giống của tôi mới được an toàn".
Dẫn tôi đi thăm xưởng ấp trứng với 9 máy ấp trị giá gần 100 triệu đồng, anh khoe: "Từ khi Nam Định công bố hết dịch cúm gia cầm, tôi đã xuất bán 5 "phiên" giống với gần 25.000 gà giống, 10.000 ngan giống. Hiện tôi đang cho ấp khoảng hơn 30.000 quả trứng. Với giá "hữu nghị" phục vụ bà con sau dịch, mỗi con gà con tôi lãi 500 đồng, còn ngan là 1.500 đồng".
Nguồn tin: Nguyễn Văn Công (Báo nông thôn) |