Người nhiều bò nhất
Có dịp đi ngang qua quốc lộ 14B thuộc địa phận thôn Phong Bắc II-Hòa Thọ-Hòa Vang-TP Đà Nẵng sẽ thấy một người đàn ông trạc 60 tuổi với trang phục lính Cụ Hồ giản dị, tay cầm roi chuông đang theo dõi, điều khiển đàn dê hơn 100 con tranh nhau gặm cỏ, lá cây trên đoạn đường này. Sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, nhưng lại chọn vùng đất Đà Nẵng làm nơi lập nghiệp. Anh Đỗ Ba Đình nhập ngũ năm 1972 đến năm 1988 xuất ngũ với tình trạng bệnh binh 65%, vợ luôn đau ốm với 3 con nhỏ, kinh tế gia đình luôn gặp eo hẹp, khó khăn.

Năm 1997, không có vốn, anh quyết tâm đi chăn dê thuê để lấy tiền công và có dịp để học nghề và tích cóp kinh nghiệm chăn nuôi. Đàn dê của chủ được sự chăm sóc nuôi dưỡng của anh từ 20 con sau hai năm đã tăng lên gần 80 con...
Năm 1999, với số tiền công tích cóp ít ỏi và số tiền mà bạn bè đồng đội, bà con cho mượn, vợ chồng anh đầu tư làm chuồng trại và gây dựng cho gia đình đàn dê gồm 10 con cả đực cái. Thức khuya, dậy sớm chăm sóc, theo dõi từng biểu hiện của đàn dê để kịp thời xử lý. Đàn dê phát triển nhanh, đẻ nhiều, đầu con không ngừng tăng lên, thu nhập gia đình bắt đầu được cải thiện. Song kinh nghiệm không thể thay thế cho KHKT, đàn dê của anh sau 1 năm bắt đầu có những dấu hiệu bất thường, tỉ lệ dê con chết cao, dê chậm lớn, dê bệnh điều trị kéo dài. Thật may, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm TP Đà Nẵng đã đến giúp anh kịp thời. Tận tình, chịu khó và bằng kinh nghiệm chuyên môn qua kiểm tra, theo dõi cán bộ khuyến nông mới cho anh biết là đàn dê của anh xuất hiện dấu hiệu đồng huyết di truyền do không thay đổi đực giống hàng năm nên đời con tăng trọng kém, tỉ lệ chết cao. Đồng thời phải sử dụng dê đực giống mới tốt để cải thiện chất lượng đàn giống, tăng ưu thế lai cho tốc độ tăng trọng cao ở đời con. Một điều không thể quên là môi trường chuồng trại kém thông thoáng, không vệ sinh kỹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng kháng bệnh và tăng trọng của con dê. Thế là anh lặn lội vào tận Ninh Thuận để tìm mua dê đực giống tốt đem về.
Còn việc điều trị bệnh bây giờ anh mới vỡ lẽ, nếu chỉ sử dụng 1 loại kháng sinh để điều trị bệnh nhiều lần thì sẽ kém hiệu quả và tăng khả năng lờn thuốc của vi khuẩn lại tốn nhiều tiền thuốc thú y. Không những thế, Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm còn hỗ trợ đầu tư cho anh một hầm biogas kiên cố 10 m3 để xử lý toàn bộ phân dê thải ra tạo nguồn khí đốt cho gia đình, làm giảm ô nhiễm môi trường cũng như làm sạch môi trường chuồng nuôi. Có kinh nghiệm, có kiến thức học hỏi mới, đàn dê lai Bách thảo của anh bắt đầu phục hồi không ngừng phát triển.
Hàng năm anh cung cấp cho thị trường tiêu thụ khoảng 40 con dê giống và 30-40 con dê thịt. Với giá bán 35.000 đ/kg dê thịt và 45.000 đ/ kg dê giống như hiện nay cho thu nhập hàng năm khoảng 70-80 triệu đồng. Đàn dê anh luôn duy trì thường xuyên hơn 100 con. Ngoài ra vườn cây đu đủ, vải chiết cành bán giống tươi tốt, sai quả nhờ nguồn phân dê cũng cho anh hàng năm thu nhập gần 20 triệu đồng. Bên cạnh đó nguồn khí đốt biogas cũng tiết kiệm cho gia đình anh được 150.000-180.000 đ/tháng.
Từ một người lính xuất ngũ tay không, bằng nghị lực bây giờ anh đã thành ông chủ nuôi dê hiệu quả nhất TP Đà Nẵng.
Nguồn tin: Đặng Văn Hồng (Báo nông thôn) |