Trại 300 con heo
Khu trại rộng 300m2 thoáng mát, sạch sẽ, hơn 30 con heo nái mập mạp và chừng 200 heo thịt đang "trú ngụ". Mỗi năm chị xuất chuồng 2 lần, mỗi lần 300 con heo thịt thu về 100 triệu đồng. Tôi hỏi chị có bí quyết gì không. Chị cười: "Có bí quyết gì đâu! Chẳng qua chịu khó học hỏi và quyết tâm làm, dù trải qua bao thất bại". Ấy là chị nói thế. Nhưng nhìn mái tóc sớm bạc của chị tôi hiểu: Mọi thứ không tự dưng mà có...

Quê chị ở Hưng Yên, nghèo và lam lũ như bao vùng quê khác trên đất Việt. Từ nhỏ, ý nghĩ thoát nghèo đeo đẳng, ám ảnh chị. Lúc đó chị nghĩ. "Thoát nghèo chỉ có cách đi học rồi làm... cán bộ!". Chẳng biết cái số, hay do chị còn “duyên nợ” với làng quê mà chị lại thi đậu vào Trường ĐH Nông nghiệp I, Hà Nội.
Ra trường, chị được phân công vào Nam, công tác tại Nông trường Nhị Xuân, đóng ở Hóc Môn (TP.HCM). Bấy giờ Hóc Môn còn là một vùng đất hoang vu ngút ngàn cỏ dại và phèn chua. Đường sá, điện nước không có, dân cư thưa thớt... Nhìn thấy cảnh ấy chị không khỏi ngán ngẩm. Nhưng rồi chị cũng dần thích nghi và trụ lại được.
Rồi Nông trường giải thể. Chị cùng gia đình đối diện với nỗi lo cơm áo: Làm gì để sống mà nuôi hai con ăn học? Nhìn mảnh đất mà trước kia Nông trường cấp cho chị, nằm sát bờ kênh, chỉ toàn cỏ lác... không thứ gì khả dĩ giúp gia đình sống được, chị thở dài. Sau nhiều đêm suy tính, chị bàn với anh nuôi heo. Gom góp những đồng tiền ít ỏi còn lại, nhặt nhạnh, mua các loại sắt phế liệu, chị cùng anh, vốn là thợ hàn sắt, dựng lên một cái chuồng sơ sài và một con heo giống. Đó là vào năm 1997.
Được tin chị nuôi heo, nhiều bà con khuyên chị nên bỏ ý định đó đi. Từ trước đến nay, vùng này đã có nhiều người nuôi nhưng đều thất bại vì lỗ: Heo họ nuôi bị chết hàng loạt mà chẳng rõ nguyên nhân. Người ta nghĩ chắc tại khí hậu không hợp. Nghe nhiều người bàn quá, chị cũng phân vân, nhưng rồi lòng quyết tâm vẫn chiến thắng. "Không nuôi heo thì biết làm gì mà sống? Thôi, kệ đánh liều xem sao...". Chị nghĩ thầm.
Nào ngờ ý tưởng liều lĩnh đó đem lại thành công cho chị. Con heo giống không những sống khỏe mà còn sinh sản tốt. Phấn khởi trước thành công bất ngờ, chị mạnh dạn vay vốn của Hội Phụ nữ 5 triệu, của Hội Nông dân 10 triệu để đầu tư vào trại heo: Xây chuồng mới rộng rãi vệ sinh, đặt dàn nước uống cho heo, tăng số lượng heo nái lên 15 con và đàn heo thịt mỗi năm hai lứa, mỗi lứa xuất chuồng tới 120 - 150 con, thu về hàng trăm triệu đồng...
Chúng tôi hỏi chị về bí quyết của thành công. Chị cười rồi nói: "Chẳng có bí quyết gì đâu. Chẳng qua mình chịu khó học hỏi, qua những lần thất bại lại rút ra kinh nghiệm để rồi càng quyết tâm làm hơn. Mà cũng nhờ sự giúp đỡ tận tình của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân về vật chất lẫn tinh thần nên tôi mới dám liều thế".
Sự giúp đỡ, như chị nói, đó là trợ giúp về vốn, giới thiệu mối tiêu thụ. Biết chị còn có khó khăn, Hội Phụ nữ bảo lãnh cho chị mua cám của một Cty mà không cần thanh toán hết. Hội còn tổ chức giới thiệu chị là gương mặt SX giỏi cho chị em học tập. Năm 2002, chị là 1 trong 4 đại biểu nông dân SX giỏi của TPHCM dự Hội nghị ở Hà Nội.
Giờ đây, dù đã có trong tay một cơ ngơi chuồng trại với đàn heo giống hơn 30 con, mỗi năm đàn heo thịt xuất chuồng 2 lần, mỗi lần 200 - 300 con, thu về trên 100 triệu đồng, nhưng chị vẫn còn nhiều ấp ủ. "Nếu có vốn, tôi sẽ mở rộng quy mô ra nữa, đầu tư thêm chuồng trại..." - Chị tâm sự. Vui chuyện, chị khoe "chị đang lập một vườn cây kiểng. Chị thích cây kiểng lắm. Nay mai khi có đủ điều kiện chị sẽ kinh doanh kiểng".
Người phụ nữ giàu ước mơ, nghị lực đó là chị Nguyễn Thị Tầm ở ấp 5 xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, TPHCM.
Nguồn tin: Nguyễn Thịnh (Báo nông nghiệp) |