Chuyện "Dân cày đường nhựa" nuôi heo
Anh Tôn Văn Hùng ở thôn 1, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) được xếp vào bậc "độc nhất, vô nhị" về chăn nuôi heo ở xã Hồng Liêm. Là một xã thuần nông quanh năm thời tiết không thuận lợt: Mùa mưa thì mưa "mục cả đá", mùa khô thì "nứt nẻ cả ruộng"… thế mà ở đây lại có một gia đình nông dân, vợ là dân thành phố mà lao động không kém gì người dân gốc rạ, đồng quê. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Mỹ Hồng ở TP.HCM.
Thế nhưng chỉ sau vài tháng "nhập gia tùy tục", chị Hồng làm quen ngay với công việc từ gieo lúa, gặt lúa, chăm sóc heo... Chị kiên trì học hỏi và tiếp thu rất nhanh các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Thấy chăn nuôi heo có hiệu quả, chị nghĩ ngay tới việc nuôi heo nái để tự túc con giống tại chỗ, hạn chế dịch bệnh và chị chuyển sang nuôi heo nái ngoại hướng nạc từ 1 con, 2 con có hiệu quả khá. Chị Hồng cần cù, chịu khó lại được anh Hùng ham học hỏi. Anh học từ sách, báo, đài truyền hình... chịu khó nghiên cứu tiếp thu kiến thức KHKT chăn nuôi.
Đến nay, anh trở thành một kỹ thuật viên thú y thành thạo từ việc tiêm phòng, chữa trị các bệnh thông thường đến thiến hoạn, đỡ đẻ v.v… Chính vì vậy đàn heo con của gia đình anh ít mắc các bệnh truyền nhiễm vì được tiêm phòng ngay trong ổ đẻ và tiêm cho cả heo mẹ trước khi phối giống. Đây là yếu tố có tính quyết định cho việc phát huy nội lực để phát triển kinh tế gia đình. Sau mấy năm thực nghiệm đàn heo đem lại hiệu quả cao, đến đầu năm 2004, chị Hồng phát triển lên 10 heo nái ngoại hướng nạc và 50 heo thịt lúc nào cũng có tổng đàn 60-80 con.
Tháng 2/2004 vừa đón xuân xong, anh chị đã xuất 2.000 kg heo hơi thu 30 triệu đồng, nhưng trong chuồng vẫn còn số lượng trên 60 con. Để nuôi heo chóng lớn, một ngày chị Hồng còn nấu 50 kg gạo thành rượu, lấy bã rượu phụ vào thức ăn cho heo, kích thích tiêu hóa cho heo chóng lớn.
Nguồn tin: Đỗ Khắc Thể (Báo nông nghiệp) |