Khi lão nông làm giám đốc
Chuyện kể về "lão nông" Mười Vương ở cái xứ rừng sâu xã Ðồng Nai, huyện
Bù Ðăng (Bình Phước), lập doanh nghiệp, làm giám đốc nghe cứ như thần thoại. Bởi
cách làm của ông Bùi Ðức Vương rất nông dân, toàn những chuyện cười ra nước mắt.
Cơ chế thị trường, sự đổi mới đi lên của đất nước đã sản sinh
ra một lớp giám đốc mới xuất thân từ nông dân. Cuộc chiến trong thương trường,
tuy không phải dễ, nhưng không phải khó tới mức mà dân ta không làm nổi.
Là con trai thứ mười trong gia đình, 15 tuổi, Mười Vương đã
phải bươn chải kiếm sống khắp vùng, hết thợ mộc, thợ xẻ đến thợ hồ (đánh vữa).
Tên là Vương mà cuộc sống chàng Vương chẳng một ngày được làm vua, cứ bèo dạt
mây trôi lên rừng, xuống ruộng. Khi Nhà nước quản lý, giao khoán bảo vệ rừng đi
vào khuôn phép, cũng là lúc chàng Vương tỉnh ngộ: Nếu cứ len lỏi nghề thợ xẻ hóa
ra mình là lâm tặc? Mười Vương không thể là kẻ bán gỗ phá rừng! Năm 1994 Vương
dắt díu vợ con về Ðồng Nai, Bù Ðăng phát rẫy, lập nghiệp. Biết bao khó khăn đổ
lên đầu, không đủ cơm cho con ăn, lấy đâu tiền cho con học? Thế là vợ chồng Mười
Vương lăn lưng làm lụng đầu tắt mặt tối với mấy sào đất trồng cà. Ðược cái đất
tốt, mùa cà pháo đầu tiên đã đổi được bát gạo nuôi con. Thêm vào đó với tài cày
thuê, cuốc mướn, nuôi lợn, nuôi gà... Cuộc sống gia đình chín miệng ăn của Mười
Vương đã bớt dần khó khăn. Tích cóp được đồng nào là Mười Vương mua đất làm rẫy.
Ông Mười nhớ lại: "Thời đó đất còn rẻ, bà con mình thì nghèo, lúc gặp hoạn nạn,
hay khi giáp hạt đói kém là bán tống bán tháo đất để lo cái ăn. Tiếc đất quá tôi
phải chạy đôn, chạy đáo vay tiền mua đất, nhiều khi đi bộ vay tiền cả 15, 20 cây
số mà không dám uống chai nước ngọt".
Khi đất nhà Mười Vương lên đến 20 ha, anh quyết chí làm giàu
bằng cách chuyển đổi cây trồng, bỏ nghề trồng cà pháo, sắn, khoai sang trồng
điều kết hợp chăn nuôi "phòng khi mất mùa đồng còn có mùa nhà". Khác với bà con
quanh vùng trồng cây điều hoang, Mười Vương đầu tư trồng điều cao sản do trung
tâm khuyến nông tỉnh giúp đỡ về kỹ thuật, nên một cây điều của Mười Vương thu
hoạch bằng năm sáu cây điều thường. Cứ thế gần chục năm trời vợ chồng, cha con
Mười Vương sống chết với cây điều. Nhờ vào hệ thống nước ngầm, phun tưới, bón
phân, diệt trừ sâu bệnh theo khoa học mà cây điều xanh tốt, ra hoa kết trái, mỗi
năm cho nhà Mười Vương 300 triệu đồng. Có tiền và kết quả từ việc thật, Mười
Vương đem kinh nghiệm của mình giúp đỡ cây giống, vận động bà con trồng điều
giống mới. Mấy năm sau, chung quanh Mười Vương có thêm hàng chục, rồi hàng trăm
nhà trồng điều cao sản, tạo ra một vùng nguyên liệu điều bạt ngàn.
Nhưng rồi, cây điều càng được mùa, sản lượng hạt điều càng
nhiều, càng bị tư thương ép giá. Nhìn bà con bán điều với giá rẻ thảm thương,
dưới cả giá thành, Mười Vương nảy ý định thành lập doanh nghiệp chế biến, thu
mua hạt điều cho bà con. Thế là doanh nghiệp Quê Hương thứ 993 của tỉnh Bình
Phước ra đời. Nhà lão Vương ở quá xa với tỉnh, huyện lỵ không thể nào có điện
thoại để lão liên lạc với khách, bạn hàng. "Thời đại bùng nổ thông tin mà điện
thoại không có, còn buôn bán nỗi gì?". Bao đêm nằm trăn trở, lão Mười nghĩ được
kế, ra huyện lỵ Bù Ðăng mượn đứa cháu họ chiếc máy điện thoại di động một ngày.
Về nhà lão bỏ công trèo lên 100 cây điều cao nhất quanh nhà để
tìm sóng điện. Thấy lão Mười làm cái việc chưa từng có bao giờ, ai cũng bảo,
chắc lão dở quẻ, vợ con cảm thấy lo lo... Cuối cùng ở độ cao hơn 10 m trên chạc
ba cây mít đầu nhà, lão Mười thu được sóng mạnh nhất "có lúc tới bốn cục". Lão
Mười cười khà: "Nghĩa là đủ mạnh để gọi về thành phố, ngoài huyện lỵ và thị xã
Ðồng Xoài". Lão lấy xe Honda phóng như bay về huyện trả cho thằng cháu cái máy
điện thoại và nhờ hắn mua cho một máy "giống y chang của mày". Rồi cả đêm hôm đó
lão bắt thằng cháu huấn luyện cho cách sử dụng: mở, tắt, lưu, nói chuyện, nhắn
tin... Kể với tôi chuyện này lão Mười thú thật: "Với trình độ lớp 5 cổ lỗ sĩ,
lại bao năm làm lụng kiếm sống, kiến thức rơi vãi đến chữ còn quên, mà điện
thoại di động ký hiệu toàn bằng tiếng Anh, tôi sao biết được, phải đánh vật suốt
đêm và cả buổi sáng hôm sau mới thuộc được bài". Về đến nhà lão cho ra đời ngay
một trạm trung chuyển "viễn thông" trên chạc ba cây mít đầu nhà bằng một chiếc
thang sắt chắc chắn. Chiếc máy điện thoại được đặt trên chòi cao, cài chế độ
chuông to nhất nối với bộ khuếch đại âm thanh truyền qua mi-crô xuống dưới nhà.
Thế là lão Mười có được những cuộc điện đàm đi khắp nơi, chỉ một chút khó chịu
là điện thoại di động mà phải để một chỗ như điện thoại cố định, phải trèo lên
cây mít để nghe và để gọi... Lão Mười tự hào: "Khi mà Nhà nước chưa đủ sức kéo
đường dây điện thoại về đây, thì mình phải tự cứu lấy mình. Tớ đã đi trước một
bước trên lĩnh vực thông tin đấy".
Chuyện Mười Vương bị lừa là một bài học. Nghe nói Trường đại
học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chế ra được máy chao dầu và máy phân loại
hạt điều hay lắm. Ông Mười Vương đến gặp ông Ðức, Phó Hiệu trưởng nhà trường, để
đặt hàng. Tay bắt mặt mừng giữa một lão nông giám đốc chốn rừng xanh với "nhà
khoa học" thật mặn mòi. Lòng tin và sự ít hiểu biết của lão nông giám đốc đã bị
ông lợi dụng. Hợp đồng những 97 triệu đồng mà chẳng có điều khoản nào ràng buộc
về pháp lý. Khi ông Vương mang máy về lắp đặt ở nhà máy của mình mới té ngửa là
máy cũ mèm. Lúc vận hành khói tỏa mù trời, ô nhiễm môi trường nặng. Máy phân
loại hạt điều không những không phân loại được mà còn làm hạt điều gãy, mẻ...
Công nhân thì không thể làm việc, còn dân quanh vùng thì khiếu kiện. Chỉ tính
riêng vụ mua máy lão nông giám đốc mất đứt 20 triệu đồng...
Ông Vương "đặt tiệc" dưới cây mít "công nghệ thông tin" đãi tôi
bằng món hạt điều hầm gà thả vườn nhắm rượu cuốc lủi. Vui rượu, ông nói cứng về
cái vụ máy cũ: "Tuy muối mặt với bà con, nhưng Vương này đâu có nản. Tôi cũng
chẳng thèm thưa kiện cái tay hiệu phó chi cho mệt. Tôi đặt hàng mới trị giá 1,5
tỷ đồng cho một cơ sở sản xuất có uy tín, với hợp đồng kín kẽ, có kỹ sư giám
sát. Máy bây giờ chạy cứ êm ru". Rồi ông rỉ tai tôi: "Năm nay, chật vật quá
trời, thấy tôi khổ ải, bà con vẫn thương dành hàng tốt bán cho, nên vẫn lãi được
500 triệu đồng".
Vui cho ông Mười, vào những ngày năm hết, Tết đến, nhà máy chế
biến hạt điều doanh nghiệp Quê Hương của ông đã cơ bản xây dựng xong và đi vào
hoạt động thu hút 300 lao động, sang năm mới có thể thu mua, chế biến vài nghìn
tấn hạt điều cho đồng bào vùng sâu. Cùng tôi nâng chén rượu, ông Mười dốc bầu
tâm sự: Từ một nông dân đùng cái lên làm giám đốc, cứ tưởng đơn giản, việc mình
mình làm, biết đâu kéo theo bao chuyện rắc rối: Nào chuyện mở tài khoản, hồ sơ
sổ sách cập nhật từng ngày, chuyện giải quyết vốn cho thu mua, đưa hạt điều vào
chế biến, sấy khô, đóng gói, tìm đầu ra cho sản phẩm, chuyện hợp đồng kinh tế,
hợp đồng lao động, trả lương, hạch toán lỗ lãi, khen thưởng, kỷ luật đều phải tự
học, tự làm, phải có vốn, có kiến thức, có quan hệ và cả máu làm ăn, đủ thứ
chuyện trên đời. Ông Mười hỏi tôi như tự nhắc mình: Chú thấy không, hàng chục tỷ
đồng, vừa vay, vừa tích cóp cả đời, nếu không cẩn thận là trắng tay, cơ chế thị
trường có chừa ai. Thành công là giữa chốn rừng xanh này có một doanh nghiệp để
thu mua, chế biến nguyên liệu nông sản. Người mình mà biết tận dụng lợi thế có
thể ăn nên làm ra, không nhất thiết cứ phải người tây mới đến đây mở nhà
máy.
Theo Nhân dân
|