Những triệu phú trên đất trung du
“Năm 2005, tỉnh Phú Thọ có trên 70.000 hộ đạt danh hiệu ND SXKD.giỏi các cấp, tăng gần gấp đôi so với năm 2000. Làm nên kết quả đó có phần công sức không nhỏ của các cấp Hội ND"-ông Trần Dũng Tiến, Chủ tịch Hội ND tỉnh Phú Thọ khẳng định. Cùng với các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ ND, Hội ND các cấp chính là người đã “giữ lửa" cho phong trào ND SXKD giỏi. Theo ông Trần Dũng Tiến, Hội luôn kịp thời phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những kinh nghiệm hay, mô hình mới...
"Tôi từng là một con nghiện…”
Nghe anh Phạm Văn Ngọc - ND SXKD giỏi đến từ chi hội 7, xã Thạch Đồng (Thanh Thuỷ) tâm sự, chúng tôi không khỏi bất ngờ: "Từ khi đoạn tuyệt với nàng tiên nâu, chí thú làm ăn tôi mới khoẻ như thế này đấy". Quê anh Ngọc ở xã Đồng Luận. Anh mắc nghiện từ năm 1990. Vợ anh khóc cạn nước mắt bởi sản nghiệp và sức khoẻ của chồng đều bay theo khói thuốc phiện.
Năm 1997, anh quyết tâm đi cai nghiện. Cai xong, một người bạn rủ anh sang xã Thạch Đồng nuôi cá. Khu 7, xã Thạch Đồng có diện tích 30ha ruộng trũng chỉ cấy được 1 vụ. Vụ chiêm anh đứng ra nhận tưới tiêu cho diện tích này, vụ mùa nước nổi anh quây đăng nuôi cá. “Công việc đào đất, bốc bùn, thả, bắt cá cứ cuốn hút lấy tôi, cảm giác nghiện mất dần. Bà con trong làng dần dần có cảm tình với tôi. Nhiều người trong chi hội 7 gợi ý tôi nên thuê lại khu ruộng trũng đó để nuôi cá.
Năm 1998 tôi bắt tay vào việc đắp bờ bao, đan đăng và mua lưới, xây thêm 200m2 chuồng lợn, chuồng nuôi ngan, vịt... Từ đó tới nay, trung bình mỗi năm tôi thu không dưới 270 triệu đồng, trong đó từ cá là 70 triệu đồng, lợn 180-200 triệu đồng. Tôi không quên những đồng vốn mà Hội ND chi hội 7, xã Thạch Đồng đã tín chấp với ngân hàng giúp tôi vay...” -anh kể.
Hình thành các trang trại
Phát triển trang trại đồi, rừng, khai thác thế mạnh vùng trung du, miền núi là một hướng đi của nhiều ND Phú Thọ. Ông Hà Thanh Nguyện, xã Thu Cúc (Thanh Sơn) có 35ha trang trại đồi, rừng nhận thầu từ năm 1997. Khu nào cây rừng có thể tái sinh thì ông bảo vệ, chỗ nào đất trống ông trồng dặm cây nguyên liệu giấy, cây lấy gô. Dưới chân đồi ông đào ao thả cá, xây chuồng nuôi lợn, gà, vịt, ngan... Đáng kể nhất là đàn bò hơn 40 con hiện nay. Ông nói chắc nịch: "Cây rừng thì 5-6 năm mới có thu, nhưng bò thì năm nào mà chẳng đẻ...".
Cách đây 15 năm, vợ chồng anh Lê Văn Phong, xã Thanh Vân (Thanh Ba) dắt díu nhau vào lập nghiệp ở khu núi Sứt. Từ một khu đất đồi hoang hoá, lau lách mênh mông, vợ chồng anh đã kiến tạo thành trang trại lâm nghiệp rộng 22ha với thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Anh Phong cùng với 9 hộ có diện tích đồi rừng lớn ở địa phương thành lập HTX lâm nghiệp Thanh Vân. Ngoài trồng, khai thác gỗ nguyên liệu giấy, HTX còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương…
Ông Trần Tiến Dũng phấn khởi cho biết: "Những gương ND vượt lên hoàn cảnh khó khăn, tưởng như bế tắc để vươn lên làm giàu như anh Ngọc, anh Tình... là thông điệp sinh động, thuyết phục để tuyên truyền, phổ biến nhằm thúc đẩy phong trào ND thi đua SXKD giỏi, xoá đói giảm nghèo ở Phú Thọ...". Những trang trại như của ông Nghiệp, anh Phong... là minh chứng cho khả năng làm giàu của ND các huyện miền núi, khó khăn như Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Đoan Hùng...
Theo Nguyễn Công (Báo Nông thôn) |