Nghề nuôi ngựa… đẻ
Nuôi bò, heo sinh sản, ngựa đua… Quá quen thuộc! Nuôi ngựa sinh
sản đại trà để bán giống mới đáng nói. Người làm nghề đó là nông dân Nguyễn Minh
Vũ (ấp Thanh Bình A, thị trấn Gò Dầu- Tây Ninh).
Nhiều "lão làng" nuôi ngựa đua ở huyện Đức Hoà, Đức Huệ (Long An) và
thậm chí cả "cái nôi" ngựa của TP.HCM là Gò Vấp nghe tôi kể chuyện này cứ trố
mắt bảo nói “xạo". Xưa nay nghề nuôi ngựa đẻ chỉ là ngựa đua quý hiếm và dành
cho dân "nhà nòi". Dân chuyên nghiệp thuộc như lòng bàn tay những điều kiện cần
và đủ cho con ngựa đua: Này nhá, ngựa cái mang thai 10-11 tháng thì đẻ. 1 tháng
ngựa con rời vú mẹ... Ngựa con phải có được vài "quý tướng" như "đầu thỏ, mỏ
dơi, cổ dê, mình ống tre, chân cheo, đùi ếch"...Ngựa vài năm tuổi phải đi làm...
khai sinh và đặt những tên "oách" cho xứng tầm như Xích Long, Hồng Long, Thiết
Mã... Chứ nói chuyện nuôi ngựa đẻ đại trà buôn bán giống, "thả nọc" như heo, bỏ
thì...
Không ai tin có nghề oái oăm của anh Vũ cũng phải. Ngụa giống
cũng chỉ mới bán được 1 con. Trong chuồng mới có 5 ngựa cái mang bầu. Kế hoạch
khoảng đầu năm 2006 là chúng đẻ. Vỏn vẹn chỉ thế nhưng Vũ có cái nhìn khác. Tuy
đến nay vẫn chưa thu nhiều từ cái nghề nuôi ngựa đẻ bán giống này nhưng rất khả
quan.
Nói đâu xa, ngay trong phim ảnh đấy, đoàn làm phim "Sương gió
biên thùy" lúc đầu tính kiếm đàn ngựa cho “ngon" dựng cảnh hoành tráng. Kiếm mỏi
mắt chỉ được vài con còn phải đi lùng thuê ngựa khắp nơi. Đóng xong phim mấy con
ngựa lăn ra chết phải bớt xén cả cát xê của diễn viên để trả nợ. Đầu ra ở đó chứ
đâu xa! Một số "đại gia" làng ngựa đua dù không tin tưởng lắm nghề của Vũ nhưng
cũng hứa nếu đàn ngựa giống tốt họ sẽ mua. Nếu chọn được con giống nào tốt mã,
khoẻ cơ sẽ sẵn sàng mua với giá cao huấn luyện thành ngựa đua. Cơ hội là đó! ở
tỉnh Tây Ninh cũng có điểm du lịch nổi tiếng là núi Bà Đen... Dân du lịch bây
giờ đặc biệt là "Tây ba lô" khoái du lịch sinh thái gần gũi thiên nhiên, giống
như trên Đà Lạt, rất thích tham quan bằng... xe ngựa. Tiềm năng là đó!
Thực ra Vũ vốn là người thích chơi cây kiểng ngay từ nhỏ và lập
nghiệp bằng nghề này cũng ngót chục năm. Những tháng ngày lang thang đi khắp các
tỉnh tìm mua cây kiểng giống. Vũ tình cờ tìm hiểu, thấy loài ngựa dễ nuôi mà
hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa những năm gần đây phong trào đua ngựa đang phát
triển, ở các điểm vui chơi du lịch ngựa cảnh cũng rất "đắt xô". Vũ nảy ra ý
tưởng mình nuôi ngựa sinh sản để cung cấp ngựa giống cho thị trường và nuôi làm
dịch vụ ngựa cảnh phục vụ du lịch. Từ đó cứ đi tới đâu thấy ai nuôi ngựa là anh
ghé vào hỏi thăm, học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi và lai tạo giống ngựa tốt.
Đầu năm 2005, Vũ đầu tư vốn vào làm chuồng trại và nhờ người
quen tìm chọn mua ngựa giống. Vốn ít, anh chỉ mua giống ngựa từ Campuchia với
giá rẻ (khoảng 15 triệu đ/con), nhưng chúng rất khoẻ và sẽ đẻ tốt. Tuy nhiên,
khi nuôi ngựa cũng cần lưu ý là ngựa ăn ít hơn trâu, bò, nên phải cho ăn nhiều
lần, không nên để ngựa quá đói mới cho ăn và phải cho ngựa uống nước trước khi
ăn để tránh bị "bội thực" hay rối loạn tiêu hoá.
Cái khó của nuôi ngựa sinh sản là việc phối giống. Vũ phải thuê
xe chở ngựa cái lên tận Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) mới có ngựa đực giống. Giá
phối giống cũng khá cao, nếu phối giống ngựa ngoại thuần chủng giá tới 1,5
triệu/lần. Còn cho phối giống ngựa đực đã lai một lần (F1) giá bèo nhất cũng
khoảng 800.000 đ/lần, nhưng cũng không được "bảo hành". Nếu về ngựa cái không
chửa thì lần sau phối giống lại vẫn phải trả tiền. Vũ xác định "lấy ngắn nuôi
dài", mới đầu phải làm quen với nghề nuôi rồi dần dần sẽ tìm "mối" phối giống
tốt để nhân đàn.
Nghề nuôi ngựa cũng như trồng cây cảnh vậy, nếu đầu tư chăm sóc
tốt khi lai tạo được giống cây đẹp, quý hoặc con giống chuẩn thì bán cũng vô giá
không chừng! Mới đây anh vừa bán được một con ngựa giống đầu tiên thu gần 20
triệu. "Tớ đang bỏ tiền phối giống ngựa có dòng máu đua để chắc ăn cho ra con
giống tốt, giống đẹp. Cầu có mà "cung" thiếu thì là thời cơ cho mình rồi! Cái
chính là có dũng cảm, dám nghĩ dám làm hay không thôi!”. Vũ rung đùi!
Theo Minh Sáng (Báo Nông nghiệp) |