"Vua Gà" đất Bắc
Sau mấy lần tìm gặp, cuối cùng tôi cũng "tóm" được anh tại "đại bản doanh"… Còn khá trẻ, cầm tinh con mèo (1962), nhưng trên gương mặt hằn lên nhiều nếp nhăn và vẻ sương gió của một người vất vả. Giờ đây, anh là ông chủ lớn trong làng chăn nuôi gia cầm ở miền Bắc với tổng giá trị tài sản hàng chục tỷ đồng. Người ta đồn rằng, mỗi sáng thức dậy là anh bỏ túi hơn chục triệu đồng. Anh là Phạm Văn Lợi ở thôn Tiền Trung, xã ái Quốc (Nam Sách - Hải Dương).
Chuỗi ngày "dặt dẹo"
Trước đây, Lợi là công nhân Công ty Lương thực Nam Sách (tỉnh Hải Hưng cũ). Gần mười năm (1983-1992) làm công nhân thì có đến sáu năm rơi vào tình trạng ngày làm ngày nghỉ, lương tháng chỉ đủ ăn uống tằn tiện và mua mấy gói thuốc lào. Anh có thú chơi gà chọi, vì thế phần lớn thời gian anh ôm gà đi chọi khắp nơi, gieo du với cả những chiếu chọi ăn tiền. Anh bảo: "Thời điểm ấy trông tôi đích thực là một kẻ "dặt dẹo". Gia đình, họ mạc ai cũng lắc đầu ái ngại là đồ hư hỏng.
Cùng thời gian này, công ty lương thực rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, nguy cơ giảm biên chế và giải thể có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Anh quyết định xin về. Không một xu dính túi, 2 vợ chồng chỉ có 5 sào ruộng khoán. Rồi người em họ cho vay 2,5 chỉ vàng làm vốn. Anh bàn với vợ mua mảnh đất 200m2 đầu xóm để gây dựng cơ đồ. Mấy tháng sau, anh xây được căn nhà và cái chuồng lợn để chăn nuôi, gọi là nhà nhưng chỉ nhỉnh hơn cái chuồng vịt một chút
Lối rẽ từ 40 con gà
Năm 1993, khi có "dinh cơ", đêm nào nằm ngủ anh cũng suy ngẫm tìm đường làm ăn. Bất chợt, nhớ lại hồi chuẩn bị cưới vợ, anh đã từng nuôi thành công 12 con gà công nghiệp, khi chúng mới được 21 ngày tuổi. Nghe tin Trại gà Tam Dương (Vĩnh Phúc) có bán gà công nghiệp, anh lặn lội cả ngày đường tìm mua. Với số tiền ít ỏi vay được, vả lại cũng hơi "run" nên anh chỉ bắt 40 con về nuôi thử nghiệm. Ngôi nhà chuồng vịt trở thành "chuồng gà". Vốn không hiểu biết lắm về kỹ thuật, lại chưa có kinh nghiệm nên đàn gà bị nhiễm lạnh, kém ăn và chậm lớn. Anh mon men đến các trại gà học lỏm kỹ thuật, kinh nghiệm. Rất may lứa gà đầu tiên "xuôi chèo mát mái". Măc dù lãi suất không đáng kể nhưng cái anh thu được là hướng làm ăn mới đầy triển vọng.
Anh nhanh chóng đẩy số lượng gà lên 120 con rồi 200 con và không ngừng tích luỹ kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật thông qua sách vở và các chuyên gia. Anh vận động anh em, bạn bè cùng chăn nuôi, phổ biến kỹ thuật và trở thành người chuyên theo dõi sự phát triển đàn gà cho các gia đình chăn nuôi trong xóm. Gặp lúc không may, đàn gà của nhà ai đó mắc bệnh anh cũng là người chịu trách nhiệm cùng. Anh còn là đầu mối tập hợp xuất hàng đi.
Chân dung một ông chủ
Hiện Lợi đang có trong tay một trang trại gà quy mô lớn nhất nhì miền Bắc với số lượng 42.000 con gà đẻ và 2.500 con gà thịt. Năm 2000, anh mua được một khu đất hơn 12.000m2 ở cánh đồng sau làng. Một dự án phát triển chăn nuôi quy mô lớn với đầy đủ các điều kiện đảm bảo về môi trường đã nhanh chóng được chính quyền địa phương chấp thuận. Theo đó, anh xây 6 dãy chuồng nuôi có tổng diện 3000 m2, mỗi dãy nuôi 7.000 gà. Hệ thống quạt gió làm mát, sưởi ấm, vệ sinh chuồng trại và cấp thoát nước,... được anh tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty CPGOUP. Anh chọn nuôi gà đẻ bởi thị trường gà đẻ tương đốt ổn định, sức đề kháng của gà tốt.
Còn nhớ, dịch cúm gia cầm xảy ra hồi cuối năm 2003, anh đứng trước nguy cơ tiêu tan sự nghiệp. Đối phó với đại dịch, hàng ngày anh phải cập nhật mọi thông tin liên quan và thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương. Ngoài ra, anh cho gà tăng thêm khẩu phần ăn, dùng tỏi nghiền hoà vào nước cho uống, mỗi tuần một lần. Con số thiệt hại lên đến vài chục triệu đồng/ngày. Cũng may, trại gà của anh không bị xoá sổ khi đích thân Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định giữ lại.
Năm 2005, anh dự định đẩy số gà đẻ lên 100 nghìn con. Anh khoe: "Số chuồng lần này tôi sẽ đầu tư hệ thống dọn phân tự động để đảm bảo cho sức khoẻ đàn gà". Theo anh, về lâu dài việc cung ứng các sản phẩm từ gia cầm của ngành chăn nuôi nước ta là chưa đủ. Vấn đề là phải đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất để có giá thành thấp, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguồn Minh Thái (Báo kinh tế nông thôn) |