Trang trại
Đã bao đời, cái mắt bà con ở huyện vùng cao Bạch Thông (Bắc
Kạn) chỉ quen với cây rừng, nên khi khu vườn của gia đình anh Hoàng Văn Danh,
xóm Khuổi Cụ, xã Phương Linh cho thu hoạch những quả quýt chín đầu tiên, bà con
ngạc nhiên lắm.
Vườn cây ăn quả của nhà anh Danh nằm sâu tun hút trong khe
Khuổi Pải. "Cách nhà hơn 10 cây số, lúc chưa mua được xe máy, tôi toàn cuốc bộ.
Nhà tôi được giao tất cả 9ha đất rừng ở khe Khuổi Pải này, trong đó có 3ha đã
được phủ xanh bởi cây ăn quả. Trong vùng này, tôi là người đầu tiên lập được một
vườn cây ăn quả như thế" - anh Danh tự hào giới thiệu. Năm 1997, mặc dù Hội ND
huyện giúp anh tham gia một lớp tập huấn kỹ thuật trồng cam, chanh, quýt, rồi
lại được đi thăm quan vùng cam Hàm Yên (Tuyên Quang), trồng mơ, mận, nuôi ong ở
Yên Bái, nhưng anh vẫn chưa thực sự tự tin, nên về nhà chỉ dám trồng thử.
Anh kể: "Giá bán mơ quả lúc bấy giờ cao lắm, tới 12.000
đồng/kg. Tôi dọn một góc sườn đồi thoai thoải ngay sát nhà, rồi đặt cây mơ giống
xuống. Nhưng chưa kịp ra quả, thì cây giống cứ còi cọc rồi chết dần. Hỏi ra mới
biết, đất này không trồng được mơ. Không chịu thua, anh quay lại Hàm Yên một lần
nữa, vừa bổ túc thêm kinh nghiệm, vừa mua cây quýt giống về trồng. Đã từng khoác
áo lính 4 năm, anh bảo việc trồng cây ăn quả của anh được thực hiện theo kiểu
"chiến dịch vết dầu loang". Khởi đầu chỉ trồng vài chục cây cứ thế nhân ra nhiều
thêm.
Cứ cần cù, kiên nhẫn như thế, cho đến năm 2003, khu vườn đã mở
rộng ra 3ha với hàng ngàn cây quýt, cam, chanh... Năm 2003, lần đầu tiên vợ
chồng anh có khoản thu trên 40 triệu đồng từ bán quýt, cam, chanh, và hơn 10
triệu đồng từ bán mật ong. Trước kia hoa quả đều phải đưa từ thị xã Bắc Kạn lên
và Cao Bằng xuống, nhưng năm ngoái, dân buôn 2 nơi này lại vào tận nhà anh Danh
đặt hàng. "Hoa quả có chất lượng, và vùng này còn hiếm nên chẳng lo dân buôn ép
giá. Nguồn thu 2 năm đầu mới kéo lại đủ vốn đầu tư trang trải, nhưng tôi biết
mình đã thắng, và đã đúng khi chọn mô hình trồng cây ăn quả".
Qua câu chuyện, chúng tôi còn được nghe anh kể về một thời từng
đi đào đãi vàng cách đây gần 20 năm. "Vài vẩy vàng kiếm được không đủ tiền thuốc
chữa bệnh sốt rét. Ở Khuổi Cụ nay thì chỉ có trồng rừng, trồng cây ăn quả là
chắc ăn nhất" - với tư cách là Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng chi hội ND, anh
Danh thường bày cho bà con như thế.
Nguồn NTNN |