Vua gà Tám Lợi
10 năm trước, thôn Tiền Trung, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách (Hải Dương), thuộc loại nghèo, vì chỉ biết làm ruộng. Gia đình anh Phạm Văn Lợi đã biết tìm tòi học cách nuôi gà làm giàu. Tài sản của anh hiện trị giá hơn 4 tỷ đồng.
Không tiền, không biết buôn bán, nhưng anh Lợi lại không cam chịu cảnh nghèo. Nghe đài, đọc báo, xem ti-vi, thấy thiên hạ làm giàu rầm rầm mà lòng như lửa đốt. Ngay ở huyện Nam Sách cũng có một số người phất lên, nhờ nuôi ba ba. Lợi mon men tìm hiểu, cuối cùng phải lè lưỡi, lắc đầu, vì vốn nuôi ba ba không phải là nhỏ. Bấy giờ ở Cầu Ghẽ (Cẩm Giàng) nổi lên phong trào nuôi vịt, xem ra có thể phù hợp tầm với của Lợi. Thế là vợ chồng bàn nhau bán 1,2 vạn gạch - vốn liếng duy nhất dành để xây nhà lấy tiền cho Lợi tầm sư học nuôi gà. Theo mách bảo của giới chăn nuôi gà vịt ở Cẩm Giàng, anh Lợi thuê xe ôm lên các trại gà giống Tam Dương, Tam Đảo. Kết quả thắng lợi với 40 con gà 4-5 ngày tuổi, anh nông dân Phạm Văn Lợi mang giấc mộng đổi đời về nhà.
Thương hiệu gà Tám Lợi
Vợ chồng xúm vào chăm sóc 40 con gà trị giá 4.000 viên gạch vốn liếng (160.000 đồng) cho ăn theo hướng dẫn trộn ngô xay với đỗ tương rang và bột cá. Bỗng đàn gà lăn ra ốm, làm vợ chồng lo sốt vó. Lợi đạp xe lên trại giống gia cầm Hải Dương hỏi cách chữa. Hóa ra gà gặp rét bị hen, cho uống tetrafuza lại khỏi. Mong mãi, đến ngày gà lớn thì lại lo hơn, vì không biết bán gà cho ai. Thời gian năm 1993 ấy, ở Hải Dương chưa có ai là mối gà, chưa có hộ nuôi nhiều gà, mà chỉ đôi ba người lên chợ Đường Cái gom gà về. Không có gì thực tế hơn, là ra đường mà học. Lợi đạp xe lang thang, nhiều lúc đứng đường hàng giờ, hàng buổi để tìm hiểu cách thức của người mua, kẻ bán. Nghĩ lại buổi ban đầu vỡ lòng kinh tế thị trường đứng đường ấy, anh Lợi bảo: "Chuyện ấy diễn ra từ lâu, diễn ra hằng ngày. Ấy vậy mà khi quan sát, hỏi chuyện, tôi mới thấy ra điều mới. Đó là không chỉ nuôi gà tốt, mà phải hiểu nuôi để làm gì, bán cho ai".
Bài học thu được kết quả kép, chẳng những có chút ít kiến thức đầu vào, đầu ra, mà sau 2 tháng nuôi, anh Lợi đã bán đàn gà được 320.000 đồng, trừ chi phí cũng lãi tí chút. Hôm ấy, để mừng "chiến thắng", anh Lợi tự thưởng cho mình và gia đình một bữa cơm thịt lợn no nê. Vừa ăn vừa rớt nước mắt, vì trước đó cả nhà anh chỉ mơ ước một tuần lễ được một bữa lòng trâu 2.000 đồng.
Đây là bước ngoặt quan trọng của vợ chồng anh. Anh kể: "bán được gà, tôi thở phào nhẹ nhõm, bụng bảo dạ thế là sống rồi. Nhưng ngay lập tức tôi cũng nhận ra được rằng, không phải chỉ cốt gia đình mình sống được, mà phải cho cả xóm, cả thôn mình, cũng sống được. Có nghĩa là làm sao để tạo ra thị trường gà". Suy nghĩ đúng đắn của Lợi được nhiều người đồng tình. Ông Phái thương binh, ông Lam ở thôn Tiền Trung, ông Bách làng Tràng và 5-6 hộ học theo Lợi nuôi gà.
Đến cuối năm 1993 đã có 50 gia đình nuôi mỗi nhà từ 50-100 gà. Anh lợi bàn với mọi nhà, đề nghị cho nhà máy chở thức ăn gà về, giảm được chi phí. Nuôi gà giống BE thành thạo, anh quyết định cùng bà con chuyển hẳn sang nuôi giống gà AA cao nhất. Giống AA tuy đắt hơn 500 đồng, nhưng chỉ nuôi 45 ngày đã nặng 2,2 kg, hơn hẳn giống BE nuôi 60 ngày chỉ đạt 2,1 kg. Từ nắm bắt kỹ thuật, thị trường, chỉ trong vòng nửa năm, anh Lợi đã góp phần quyết định tạo lập chợ gà Tiền Trung, trở thành thị trường gà có giá trị ở đúng ngã ba kinh tế giàu sức mua là Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Bắt đầu từ đó, người ta truyền miệng một thương hiệu quen thuộc "gà Tám Lợi".
Làm ăn quy mô lớn
Kết quả, có thương hiệu dân gian rồi, có đầu ra rồi, anh Lợi toan tính làm ăn quy mô lớn. Đầu tiên là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối trong chăn nuôi. Tất cả các hộ nuôi gà nhất trí mời các chuyên gia về hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng chữa bệnh cho gà. Học đến đâu, thực hành đến đấy, trăm nhà như một. Gà mắc bệnh khó cách ly, vì khi phát hiện đã có 30% tổng đàn bị bệnh. Nay mọi người đều quen trị bệnh cho gà, thấy gà kêu khè khè đúng là bị hen CRD, gà đi phân nước là mắc đường ruột, chỉ cần pha thuốc vào nước uống, trộn thuốc vào thức ăn là gà chóng khỏi.
Nhờ vậy, vụ đầu, anh Lợi và bà con đã bán được gần 10 tấn gà mỗi tháng. Thời kỳ trước năm 2000 được lãi mỗi con 4.000-6.000 đồng, sau này do thị trường có nhiều gà thì vẫn lãi mỗi con 2.000 - 4.000 đồng. Trừ lứa đầu còn phải giao bán ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, từ lứa thứ hai, khách mua đến tận nơi cân gà. Từ một xã thuần nông, dựa vào cây lúa là chủ yếu, nay có đến 70% số hộ cả xã chăn nuôi gà, trong đó có đến 60% số hộ nuôi từ 500 gà trở lên. Riêng lập trang trại gà thì mới có anh Lợi, nhiều người muốn mở trại nhưng chưa đủ vốn.
Đối với anh Lợi, năm 1996 đã lập trại gà thịt 2.500 con, vì bấy giờ gà thịt có lãi hơn là gà trứng, chỉ sau 45 ngày là đã thu được tiền. Nhưng đã có lúc anh Lợi bị lỗ do giá thị trường đột nhiên giảm mạnh. Tuy nhiên, mất một lứa 10 triệu đồng thì vẫn còn có 5-6 lứa trong năm, nên cộng lại vẫn có lãi. Khi thị trường có biến đổi, gà trứng lãi hơn gà thịt, anh Lợi chuyển ngay sang nuôi gà trứng. Rút kinh nghiệm, anh khôn khéo nuôi kèm 100 lợn cỏ với gà, vừa dễ bán lợn xuất chuồng 50 kg chắc thịt, vừa có thêm thu nhập, nhất là chủ động đề phòng rủi ro.
Tuy nhiên, Lợi biết điểm dừng. Anh không mải mê phát triển số lợn, vì từ năm 2000 rất nhiều nơi nuôi lợn quy mô lớn và có công nghệ cao. Anh chỉ duy trì đàn lợn 100 con, lúc nào cũng có thị trường lợn nội. Anh quyết định lập dự án xây dựng trang trại gà trứng, được UBND huyện Nam Sách hết lòng ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai ổn định lâu dài. Chỉ trong vòng nửa năm từ tháng 5-2002 đến tháng 12-2002, cánh đồng trũng 1,2 ha nằm dưới chân cầu Lai Vu đã được tôn nền, xây dựng trại gà hiện đại. Sáu dãy chuồng dài 62m, rộng 9,5m, có hai lối đi hai đầu, sàn thép 2 tầng gà.
Anh Lợi có sáng kiến dùng vải bạt sơn đen tạo ra hiệu ứng nhà kính, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, có lúc ngoài trời 90C nhưng trong chuồng 180C, hệ thống phun mát mái hoạt động trong mùa hè. Được công ty CP cung cấp giống, lần lượt mỗi tháng của quý I/2003, anh đã nuôi mỗi chuồng 7.000 con, và mỗi tháng trong quý IV đã nuôi mỗi chuồng 7.000 con. Cả 6 chuồng đang có 42.000 gà đẻ. Đây là loại gà ngoại có bộ lông mầu đỏ tươi, khỏe mạnh, chịu ăn, có sức đề kháng tốt, mắn đẻ. Mua gà 16 tuần tuổi, đến tuần thứ 18 gà bắt đầu cho trứng.
Theo chuyên gia Thái-lan, gà đẻ một đời 12 tháng, trứng to dần theo tuổi gà, từ 35 gam to dần lên 65 gam, bán xô 380 - 600 đồng/quả. Anh thuê 18 công nhân chăn nuôi, dọn vệ sinh, cho gà ăn, thu trứng suốt ngày. Trang trại có nhà ăn ở tập thể cho công nhân, có giếng khoan nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh, lương công nhân 600.000 đồng/tháng.
Anh Lợi được bà con yêu mến, đặt tên là "vua gà". Ông "vua" không ngại tâm sự: "sang năm 2004 tôi sẽ lập tiếp dự án xin cấp đất để nuôi thêm 21.000 gà. Hiện tài sản cố định của tôi là trên 4 tỷ đồng, vừa qua ngân hàng cho vay được 200 triệu, đó là nguồn vốn nhỏ nhưng ít còn hơn không".
Nguồn TRẦN LÊ (Thời báo kinh tế) |