Thoát nghèo nhờ... nhủi cua
Rừng ngập mặn hai bên bờ sông Bùng (Diễn Châu, Nghệ An) đã tạo môi trường cho cua biển sinh sôi. Theo đó, nghề nhủi (mò) cua con xuất hiện như chiếc phao giúp diêm dân ven biển thoát nghèo.
Dọc theo thân đê nhìn xuống chẳng thấy được lòng sông bởi rừng sú che lấp, chỉ có tiếng cười, tiếng nói của người làm nghề nhủi cua. Nghề này cũng đặc biệt: những người bắt cua giống dùng hai thanh đòn bắt chéo nhau tạo thành hình gọng kìm, một đầu buộc với mảnh lưới tạo thành cái miệng túi, hai tay cầm hai càng đầu còn lại và đẩy đi dưới nước sâu ngang bụng. Cứ khoảng một tiếng đồng hồ là họ dừng lại nâng thanh đòn lên giũ lưới. Một ít bùn dính lưới tan đi hết, còn lại ít lá cây và cua con. Đa số cua có kích cỡ bằng đầu ngón tay cái, cũng có con chỉ bằng chiếc cúc áo. Bắt cua bỏ vào một chiếc lọ nhựa được treo trên cổ, người nhủi cua lại tiếp tục đẩy lưới đi theo những tuyến rạch nho nhỏ đan xen chằng chịt trong ngút ngàn rừng ngập mặn.
Một buổi nhủi cua thu nhập bằng tạ muối
Bùi Văn Mai (xóm Kim Liên, xã Diễn Kim) được mệnh danh là "vua cua" bởi tài nhủi cua ở sông Bùng. Mới non trưa, Mai đã xách lưới và lọ đựng cua lên đê đi về phía có người thu mua đang ngồi chờ sẵn. Mai bảo: "Từ tháng 7 âm lịch năm nay bỗng dưng cua rộ lên, tranh thủ mùa cua em đi nhủi cả ban đêm. Đêm qua em kiếm được 150 ngàn đồng, sáng nay được không nhiều, chỉ chừng năm chục (50.000 đồng) thôi".
Gia đình Mai cũng như bao gia đình ở vùng này xưa nay chỉ biết làm muối, cực khổ nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Các chị, các dì của Mai vừa làm muối vừa phải thồ muối đi hơn trăm cây số để bán rong. Cái nắng khô cháy càng làm cho tiếng rao khản đặc. Mai hớn hở khoe rằng tất cả khổ cực đó qua rồi, mọi người chỉ bỏ ra vài chục ngàn mua sắm mảnh lưới để nhủi cua. Có cua là có tiền. Mà đã vác lưới ra đi là không bao giờ về tay không. Một con cua con ấy giá từ 5- 6 ngàn đồng, con bé nhất cũng bán được 3 ngàn.
Chị Nguyễn Thị Nhung (xã Diễn Bích) sau một "cuốc" nhủi đứng lại giũ lưới, đọng lại 5 con cua bé tẹo như móng tay. Tôi hỏi chị: "So với làm muối thì thu nhập thế nào?". Chị mở nắp hộp đựng cua hớn hở khoe: "Đây này, sau "cuốc" đầu tiên có 15 ngàn ăn chắc rồi đây, bằng gần một tạ muối đó". Chị vừa nói vừa thả nhanh chiếc nhủi rồi đẩy đi thoăn thoắt. Chị Nhung khoe thêm: "Cái việc ni cũng không phải khoẻ khoắn chi mô nhưng còn sướng hơn trăm lần cái nghề làm muối và bán muối rong. Thu nhập từ nghề này rất khá mặc dù phải bận bịu việc gia đình nhưng mỗi ngày tôi vẫn kiếm được từ 25- 50 ngàn". Chính có sự khác biệt về thu nhập như thế nên mọi người đều muốn nhanh chóng hoàn thành việc cấy hái để đi nhủi cua.
Anh Bình- một người nhủi cua ở Diễn Kim thừa nhận: "Xã tui nổi tiếng nhiều người đi bán muối rong với trên dưới 100 người nhưng hiện tại hầu hết đã đổi làm nghề này". Anh chỉ tay về phía xa xa cuối sông: "Từ đây đến Lạch Vạn có cỡ 300 người đang nhủi cua. Ban đêm số người nhủi đông hơn vì đó là thời điểm cua lên nhiều".
Nghề lại nuôi nghề
Đi dọc hai bên bờ sông Bùng những ngày này ở đâu cũng thấy hình ảnh mua bán cua giống tấp nập hai bên đường. Người bán trao cua, nhận tiền rồi lại trở xuống rừng ngập mặn để tiếp tục nhủi, mò cua. Người thì hớn hở trở về nhà mua sắm trang trải cuộc sống gia đình.
Ở trên các cung đường gần rừng ngập mặn này cũng có một đội quân "ăn theo", đó là trên 30 người làm nghề thu mua cua để họ bán lại cho những người buôn khác đến từ nhiều nơi như huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành và thương lái ở Thanh Hoá, Hà Tĩnh. Những thương lái này lại vận chuyển về các vùng nuôi cua thịt bán cho người nuôi.
Vậy là giờ đây rừng ngập mặn trên sông Bùng không còn chỉ là ngăn thiên tai nữa mà nó đã nhả cho con người nhiều nguồn lợi khác. Tuy vậy nghề này cũng cần được quản lý. Hình ảnh những con cua lớn, kể cả cua mẹ đang chất đầy trứng cũng bị bà con bắt đi nhập cho nhà hàng, quán ăn cũng gợn lên trong chúng tôi những suy nghĩ về sự bền vững cho "đời cua" ở rừng ngập mặn ven biển.
Nguồn tin: NTNN |