Tỷ phú đất phèn
Trước kia, anh chỉ học hết cấp 2 nên ngoài việc đầu tư tái
sản xuất, vợ chồng anh dồn hết tiền bạc cho các con ăn học. Trong số
7 người con, có 3 người đã tốt nghiệp đại học, 3 người tốt nghiệp cao
đẳng và đều đã có việc làm ổn định. Đó là ông chủ một trang trại tại TP
Cà Mau, Trần Minh Thiệm.
Vùng đất ngập mặn Cà Mau có một hệ động thực vật phong phú và
giàu có vào loại bậc nhất của nước ta. Những năm gần đây, nhờ biết áp dụng khoa
học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện môi
trường, thổ nhưỡng nên vùng đất hoang hóa trước kia đã thành đất trang trại.
Nhiều hộ nông dân nghèo quanh năm thiếu trước hụt sau nay đã có hàng trăm triệu,
thậm chí tiền tỷ.
Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo
Mãi gần 5h chiều, chúng tôi mới tìm được đến nhà anh Trần Minh
Thiệm - một chủ trang trại làm ăn có hiệu quả ở ấp 3 xã Tân Thạnh, TP Cà Mau.
Trong cái nắng vàng óng như tơ của buổi chiều đầu tháng 8, ông chủ Ba Thiệm vẫn
đang đánh trần, say sưa với công việc của một "lão nông tri điền".
Không khách sáo, anh ngồi bệt ngay tại bờ cỏ ao nuôi cá để tiếp
chuyện. Trong khu vườn rộng 2 ha, chúng tôi thấy không có một vạt đất nào bỏ
trống. Hàng chục ao cá hình chữ nhật, nối tiếp nhau. Trên phần đất xen giữa các
ao cá là những luống rau xanh mơn mởn, trông thật mát mắt.
Nhìn các loại cá đang tranh nhau ăn mồi, khuôn mặt anh như giãn
ra, tươi tỉnh. Anh Ba Thiệm đủng đỉnh: Cũng diện tích đất này nhưng trước kia
chỉ để cho cỏ mọc, siêng lắm thì trồng được mớ rau vừa lấy cái ăn vừa để phụ
nuôi heo. Đã từ lâu, Ba Thiệm luôn ấp ủ câu "muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi
heo".
Nhưng mãi đến năm 2002, được sự khuyến khích của địa phương,
anh mới bắt tay vào thực hiện mơ ước của mình. Anh cũng là người đầu tiên của xã
Tân Thạnh làm trang trại một cách có hệ thống và bài bản. Lúc đầu, anh chỉ nuôi
cá diêu hồng và cá bống tượng.
Sau này, anh tự mày mò nghiên cứu nuôi thêm cá chình, cá sấu.
Không chỉ nuôi cá thịt, anh còn nuôi cá diêu hồng giống để cung cấp cho bà con
trong vùng. Hiện nay, mỗi năm anh xuất trên 100.000 con cá diêu hồng giống với
giá 300đ/con. Có đến trên 40% hộ nuôi cá tại TP Cà Mau mua cá giống của anh.
Tuy chưa thật lớn nhưng trang trại của anh hiện có 4 ao 5.000m2
nuôi cá diêu hồng giống; 30 cao (100m2/ao) nuôi cá bống tượng và cá chình. Ngoài
ra, mỗi năm anh còn xuất không dưới 100 con heo thịt. Theo anh, nuôi cá cũng khó
như nuôi tôm. Phải thường xuyên theo dõi, điều chỉnh độ pH hợp lý.
Mỗi khi vào mùa, nhiều đêm phải thức trắng để chăm sóc cá. Mỗi
ao 100m2, anh chỉ thả đúng 100 con cá bống tượng hoặc cá chình. Theo kinh nghiệm
của anh, các loại ao nuôi cùng một thứ cá nên có ống nước thông với nhau. Không
chỉ giúp làm mát nước mà còn để cá tận dụng được hết nguồn thức ăn.
Vì là vùng có nhiều muỗi nên các chuồng heo đều phải mắc mùng
(màn). Phân heo được dẫn xuống ao làm thức ăn chính cho cá diêu hồng. Theo thời
giá hiện tại, một ký lô cá diêu hồng từ 30 - 40 ngàn. Cá bống tượng giá
280.000đ, cá chình 240.000đ/kg.
Từ 30 triệu đồng vay mượn đầu tư ban đầu, đến nay, mỗi năm gia
đình anh Ba Thiệm đã có nguồn thu trên 500 triệu đồng từ chăn nuôi. Điều đặc
biệt là với một khối lượng công việc lớn như thế nhưng phần lớn đều do một tay
anh quán xuyến. Anh tâm sự rất thật: Làm nông phải chịu khó, lấy công làm lãi.
Nuôi cá cũng như đánh bạc, lơi là một tí là sạt nghiệp như chơi.
Trước kia, anh chỉ học hết cấp 2 nên ngoài việc đầu tư tái sản
xuất, vợ chồng anh dồn hết tiền bạc cho các con ăn học. Trong số 7 người con, có
3 người đã tốt nghiệp đại học, 3 người tốt nghiệp cao đẳng và đều đã có việc làm
ổn định.
Kỹ sư chân đất
Bác Phan Văn Hóa, 60 tuổi, chỉ học tới lớp 5 trường làng nhưng
lại được bà con trong vùng gọi thân mật là "kỹ sư chân đất". Năm 1980, rời quân
ngũ về quê với 13 công vườn tạp, làm quần quật nhưng cuộc sống của gia đình bác
Bảy Hóa vẫn thiếu trước hụt sau.
Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, bác ngẫm ra một điều là
vùng trọng điểm sản xuất lúa nhưng vùng quê Lợi An, huyện Trần Văn Thời của bác
đang sống lại không có giống lúa năng suất cao. Bản chất cần cù chịu khó của
người lính lại trỗi dậy. Bác cất công mày mò, bỏ thời gian nghiên cứu tài liệu
để gầy dựng giống lúa cao sản cho địa phương.
Từ năm 1991 đến năm 1995, từ 3kg lúa IR42 tuyển chọn, bác Bảy
đã nhân ra được 60 tấn giống lúa mới cao sản cung cấp cho bà con nông dân trong
và ngoài huyện. Năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Bà con đã đặt tên cho giống
lúa mới này là "giống lúa Bảy Hóa".
Chưa hết, năm 2001, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản
xuất, phần lớn các hộ nông dân đã chuyển đổi một phần lớn diện tích trồng lúa
sang nuôi tôm nhưng do chưa có kinh nghiệm nuôi nên tôm chết hàng loạt, bà con
lại thêm một lần nữa lao đao, lâm vào cảnh túng thiếu.
Vậy là một lần nữa người đảng viên thương binh Bảy Hóa lại
"xuất chiêu". Không quản nắng mưa, đêm tối, bác khăn gói đến nhiều nơi trong
tỉnh với quyết tâm tìm giải pháp nuôi tôm. Chìa khóa của câu hỏi này chính là:
Phá thế độc canh con tôm. Với vùng nước và đặc điểm thổ nhưỡng quê bác, nuôi
kiểu này con tôm dễ bị bệnh, khi gặp rủi ro dễ bị mất trắng.
Mô hình đầu tư hiệu quả nhất là lúa + tôm. Từ thành công theo
mô hình này, bác Bảy phổ biến rộng rãi cho bà con cùng làm theo. Từ đó đến nay,
các hộ sản xuất trong xã và quanh vùng trúng mùa liên tục, cuộc sống đi lên
trông thấy. Ngoài nuôi tôm, gia đình bác Bảy còn trồng cây ăn trái, rau màu và
nuôi thêm các loại cá lóc, trê phi.
Từ chỗ phải vay vốn của ngân hàng, đến nay gia đình bác Bảy Hóa
đã có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Không chỉ làm ăn giỏi, bác còn tích cực
tham gia công tác xã hội. Bác mạnh dạn cho 7 hộ nghèo vay hàng chục triệu đồng
để chuộc đất. Trực tiếp giúp 8 hộ xóa nghèo.
Vận động quyên góp 16 triệu đồng cất một căn nhà tình thương và
bắc một cây cầu. Bác còn góp vào quỹ hội 20 triệu đồng cho các hộ nghèo vay vốn
làm ăn và tham mưu với chính quyền địa phương tạo việc làm cho trên 100 lao
động.
Làm giàu trên đất phèn nhiễm mặn
Từ huyện Trần Văn Thời, chúng tôi lại "khăn gói quả mướp" lặn
lội sang xã Tân Hưng huyện Cái Nước tìm anh Ngô Văn Sól, một điển hình làm kinh
tế giỏi của huyện. Từ một gia đình nghèo nhưng nhờ có ý chí, nghị lực, anh đã
biến gần 50.000m2 đất biền ven sông xì xọp phèn mặn thành một trang trại nuôi
tôm có thu nhập hàng tỷ đồng.
Trước kia, do một năm chỉ làm được một vụ lúa, hiệu quả thấp
nên cuộc sống của gia đình anh nói riêng và bà con trong vùng nói chung lúc nào
cũng khó khăn chật vật. Vốn là một người chuyên đi làm thuê cho các chủ vựa nuôi
tôm, Sól đã biết tích lũy kinh nghiệm để mạnh dạn áp dụng vào việc phát triển
kinh tế gia đình.
Năm 2000, anh cải tiến 5.400m2 ao để áp dụng mô hình nuôi tôm
theo kiểu công nghiệp. Số ao còn lại nuôi theo kiểu quảng canh cải tiến theo
phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Từ thắng lợi của vụ đầu tiên (lãi ròng 125
triệu) trên diện tích 5.400m2, anh mở rộng thêm 12 ao nữa.
Chỉ trong vòng hai năm, trừ mọi chi phí, anh thu lãi 2,9 tỷ
đồng. Từ việc áp dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghiệp của anh, nhiều bà
con tìm tới học hỏi kinh nghiệm và áp dụng trên diện rộng. Được sự chỉ bảo tận
tình của anh, bà con trong xã và vùng lân cận đã làm ăn và thu nhiều kết quả khả
quan.
Không chỉ làm ăn giỏi, anh Sól còn tích cực tham gia vào công
tác xã hội ở địa phương. Hàng chục triệu đồng đã được anh chuyển tới các gia
đình khó khăn thông qua Hội Nông dân tập thể. Anh còn tạo công ăn việc làm
thường xuyên cho gần 30 lao động trong ấp.
Mong muốn của anh Sól hiện nay là chính quyền địa phương sớm
thành lập HTX nuôi tôm công nghiệp của xã. Nếu được, anh sẽ tự nguyện phụ trách
khâu kỹ thuật để góp phần phổ biến kinh nghiệm cho bà con.
Từ những mảnh
đất phèn chua nhiễm mặn, bằng ý chí và bàn tay con người, được sự quan tâm tạo
điều kiện cho vay vốn, nhiều hộ nông dân ở Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc
đã trở lên giàu có, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quê hương ngày càng
giàu mạnh.
Theo SGGP |