Người đầu tiên đưa tre Bát Độ về Quảng Ninh
Được hai Nhà nước tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức kinh tế qua lại, tìm hiểu, liên kết làm ăn, mùa xuân năm 2003, Cty Lâm thổ sản Đại Hòa - TP Anh Đức, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cử đại diện sang vùng Tiên Yên và Vân Đồn (Quảng Ninh) tìm hiểu về đất đai, khí hậu để liên kết mở rộng việc trồng tre Bát Độ. Được giới thiệu tới xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, tổ đại diện Cty Đại Hòa vào UBND xã gặp ông Chủ tịch Tô Văn Lưu. Biết nội dung yêu cầu của Cty Đại Hòa, ông Chủ tịch xã đưa tổ đại diện xuống gia đình ông Nguyễn Duy Công ở thôn Khe Ngái để bàn việc liên kết trồng tre Bát Độ...
Ông Công và chủ tịch Lưu, ra báo cáo huyện về chủ trương chuyển đổi cây trồng - cụ thể là xã Đoàn Kết, thích hợp việc trồng tre Bát Độ. Phòng Kinh tế huyện, cũng muốn chuyển đổi cây trồng, nên trước đó đã một lần sang Trung Quốc mua giống tre Bát Độ về bán cho một số hộ dân, để nhân rộng ra. Nhưng giống lại là những cành giâm, dân mua về trồng chết hơn 80%. Số cành sống sau 1 năm, vẫn chưa được thu hoạch như tuyên truyền. Dân và Phòng Kinh tế mất niềm tin, bởi thế, mặc dù huyện nhất trí chủ trương của xã, tạo điều kiện thủ tục giấy tờ hợp lệ, để chủ tịch xã và ông Công sang Đại Hòa tham quan, nhưng cũng chưa mặn mà, chưa tin là đất Đoàn Kết có khả năng trồng được tre Bát Độ.
Chủ tịch Lưu và ông Công, sang tham quan nông trường tre và nhà máy chế biến măng XK của Đại Hòa hàng chục ngày. Tai nghe, mắt thấy, tay sờ... ông Công và ông Lưu liên hệ, đối chiếu với điều kiện của xã mình, thấy rất "ngon ăn". Cty Đại Hòa còn nói: Nếu ở bên đó trồng và nhân rộng ra đủ tầm cỡ 200 ha trở lên, thì Đại Hòa sẽ bao tiêu hết sản phẩm, sẽ đầu tư một nhà máy chế biến nhiều mặt hàng từ măng để XK.
Tham quan về, ông Công và ông Lưu quyết định vay vốn để sang Đại Hòa mua 1 vạn gốc mầm về trồng. Tính cả tiền vận chuyển về đến nhà, mỗi gốc mầm thành giá 13.000đ. Không đủ tiền để trồng cả 1 vạn gốc, ông Công chỉ giữ lại 5.000 gốc để trồng 5 ha. Còn lại, ông Lưu trồng một ít và bán cho bà con có đất rừng lân cận cùng trồng.
Chỉ sau 1 năm - tức vào đầu mùa hè 2004, ông Công đã được thu hoạch. Mỗi chiếc măng to bằng bắp chân, cao từ 50-80 cm, thái ra bán tươi, cũng được 6.000 đ/kg. Chỉ năm đầu, ông Công đã thu được 50 triệu đồng.
Năm thứ hai, bụi tre Bát Độ, ở chỗ đất xấu cũng phát triển to hơn vành xe đạp. Chỗ đất ẩm, bụi to hàng mấy mét vuông, số măng ra càng nhiều. Tính đến hết tháng 8 ÂL (2005), gia đình ông Công đã bán được hơn 200 triệu đồng tiền măng. Với mỗi gốc mầm bán ra 20.000đ, ông Công đã thu được hơn 90 triệu. Với số tiền có từ tre Bát Độ, ông Công sắp khánh thành ngôi nhà 2 tầng.
Thấy "chắc ăn" - không sợ dông bão, sâu bệnh và có vẻ nhàn hạ hơn trồng những thứ khác, sản phẩm măng lúc nào cũng chưa đủ bán cho người buôn, một số gia đình ở xã Đoàn Kết có vốn, đã đến mua gốc mầm từ rừng tre Bát Độ của ông Công về trồng. Tính đến tháng 10/2005, diện tích rừng trồng tre Bát Độ ở xã Đoàn Kết mới được khoảng 15 ha. Bởi nhiều gia đình ở Đoàn Kết muốn trồng, nhưng việc vay vốn của Nhà nước còn rất khó khăn, thủ tục rườm rà, tiền được vay còn ít ỏi. Cũng vì vậy, ông Công đã phải bán giống tre cho một số người ở Tiên Yên, Hải Dương và ký hợp đồng bán vào tận Bình Phước...
Nguồn tin: NNVN |