Phú Thọ: Người thanh niên xứ đạo tìm nghề làm giàu
Phan Ngọc Thuỷ cũng như bao thanh niên khác trong làng theo đạo công giáo toàn tòng Dư Ba, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) mới chỉ học hết THCS là ở nhà tham gia giúp việc gia đình. Sau một năm không nghề nghiệp, công việc đồng áng của gia đình cũng không nhiều, anh tự hỏi mình phải làm gì để kiếm sống trong tương lai ? Sau nhiều đêm không ngủ và suy nghĩ, anh chủ động tìm đến các nghệ nhân làm nghề mộc có tiếng trong làng xin giúp việc và học nghề. Buổi ban đầu học nghề mộc đối với Thuỷ không đơn giản bởi chưa quen lao động nặng nhọc, vất vả. Song được sự động viên của người thân và với ý chí quyết tâm học lấy một nghề để xây dựng cuộc sống tự lập sau này và sự tận tình chỉ bảo của các nghệ nhân truyền nghề cho anh, Thuỷ đã vững tin và tiếp tục theo học. Sau 2 năm miệt mài với cưa đục... Thuỷ đã có tay nghề, từ đó anh đã đi khắp các làng nghề mộc của các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội học hỏi thêm mẫu, mã các mặt hàng mộc, kỹ thuật lắp ráp sản phẩm.
Trong 4 năm miệt mài, Thuỷ đã làm thành thạo các sản phẩm như: xa lông, bàn ghế, tủ tường, tủ ly, tủ đứng và các đồ dùng gia dụng bằng gỗ. Từ đây Thuỷ đã mạnh dạn đầu tư 20 triệu đồng để mở xưởng sản xuất, ban đầu anh làm theo đơn đặt hàng của người dân trong làng, ngoài xã, sau đó anh đã liên kết với các đại lý trong và ngoài huyện để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bí quyết thành công trong nghề của Thuỷ là thường xuyên thay đổi mẫu, mã theo thị hiếu của người tiêu dùng, đảm bảo kỹ, mỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá bán phải chăng được người mua chấp nhận.
Do giữ được "chữ tín", nên nhiều năm qua sản phẩm mộc của anh luôn xác định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Bán được sản phẩm, Thuỷ tiếp tục đầu tư thêm 70 triệu đồng mua nguyên liệu và thuê 7 lao động làm việc thường xuyên tại xưởng của anh với mức lương 500 ngàn đến 1 triệu đồng/ tháng. Ngoài những công nhân ở địa phương, Thuỷ còn thuê 5 công nhân ở tỉnh ngoài về chuyên nghề trạm, khắc làm việc tại xưởng của anh.
Với cơ ngơi xưởng chưa lớn nhưng bình quân mỗi năm anh Thuỷ thu được 100 triệu đồng, trừ mọi chi phí anh còn có lãi trên 30 triệu đồng. Anh còn thường xuyên truyền dạy nghề cho những người thợ mới vào nghề, hỗ trợ nguyên liệu, cho mượn máy móc, dụng cụ để họ tự sản xuất với mong muốn thanh niên Dư Ba cùng học và làm nghề như anh. Từ một thanh niên chỉ mải vui chơi, nay Thuỷ đã trở thành "ông chủ" trẻ tuổi trong làng./.
Nguồn tin: TTXVN
|