Bắc Ninh: Nông dân Yên Phong xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao
Từ năm 2001 đến nay, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình kinh tế phù hợp với từng địa phương, nâng mức thu nhập bình quân theo đầu người lên khoảng 5 triệu đồng/năm; nhờ vậy huyện đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4%.
Huyện đã vận động nông dân đưa các giống lúa nguyên chủng, lúa lai, lúa thuần, lúa thương phẩm vào gieo trồng trên 95% diện tích, đạt năng suất từ 56 đến 59 tạ/ha, cao hơn nhiều so với trước đây. Tại các xã như: Trung Nghĩa, Tam Đa và thị trấn Chờ, nông dân trồng nhiều loại hoa màu có giá trị kinh tế cao như: cà chua, dưa chuột, ớt, mướp đắng... Thay thế toàn bộ những loại cây cho thu nhập thấp, tăng giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác. Đối với những chân ruộng trũng, hồ, ao, đầm lầy... huyện đưa chương trình phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt có quy mô hàng hoá, giúp dân tìm đầu ra cho sản phẩm, khuyến khích sản xuất phát triển.
Đến nay, hầu hết các xã trong huyện đều xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đạt giá trị thu nhập bình quân từ 20 đến hơn 100 triệu đồng/năm. Mô hình lúa + cá ở các xã Tam Đa, Dũng Liệt, cho thu nhập trên 30 triệu đồng/năm.
Các xã Đông Thọ, Hoà Tiến, Hoà Long, Văn Môn và thị trấn Chờ có nhiều mô hình chăn nuôi bò lai Sind, lợn hướng nạc, thả cá với nhiều loại giống mới như: chép lai, chim trắng, rô phi đơn tính, đạt mức thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm. Ở các xã Yên Trung, Thuỵ Hoà, Đông Phong, Tam Giang... bà con xây dựng nhiều vùng lúa thương phẩm cho năng suất, chất lượng cao như: tẻ thơm, bắc hương, nếp cái hoa vàng (cho thu nhập cao gấp từ 3 đến 5 lần so với các giống lúa khác). Xã Trung Nghĩa phát triển mạnh trồng cây rau màu theo hướng luân canh 4 vụ/năm, trong đó chú trọng trồng các loại trái vụ như: cà chua, su hào, cải bắp, hành tây.... có mức thu nhập từ 60 đến gần 100 triệu đồng/năm.
Từ những mô hình này, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ làm kinh tế giỏi. Ông Nguyễn Văn Hoà, xã Hoà Long đầu tư chăn nuôi hơn 100 con lợn nái ngoại, gần 100 con lợi siêu nạc và chăn nuôi gia cầm, thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Phượng, xã Đông Thọ trồng nấm, mộc nhĩ, mỗi năm thu lãi từ 40 đến 50 triệu đồng, đã tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập từ 300.000 đến 500.000 đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Bá Học ở xã Đông Phong có hơn 2 ha và đầu tư 60 triệu đồng làm bở vùng, bờ thửa, tổ chức nuôi thả cá chép lai; cho thu lãi gần 80 triệu đồng/năm./.
Nguồn tin: TTXVN
|