Người đặt tên cho cây lan Việt Nam
Thật ra, cái tên “vua” lan đã được giới chơi trong vùng “phong tặng” cho Nghệ nhân Thanh Tùng- hội viên Hội Sinh vật kiểng TP Mỹ Tho (Tiền Giang)- từ 5 năm trước. Ấy là thời điểm diễn ra Hội hoa xuân Tiền Giang, anh nhận một gian hàng kinh doanh loại hoa “quí tộc” này. Lúc đó, anh chưa có vợ và chỉ mới 24 tuổi. Cuộc đời của “vua” lan vốn không phải tươi đẹp, quí phái, như những cánh hoa... Mẹ mất sớm, cha đi thêm bước nữa. Tùng vừa đi làm vừa học thêm nghề lái xe. Đêm chạy xe, ngày làm thêm nghề thợ hồ tất cả chỉ để dành dụm tiền mua từng chậu lan, xương rồng về nhằm ấp ủ một giấc mơ đổi đời bằng nghề trồng hoa kiểng.
Và thật tình cờ anh gặp anh Trương Duy Lam – một nghệ nhân có tiếng trong Hội Sinh vật kiểng TPHCM. Chính anh Lam là người đỡ đầu và “quân sư” cho anh mở gian hàng bán lan tại hội hoa xuân của tỉnh. Chỉ 10 ngày ở hội hoa, anh thu được 3 triệu đồng từ những giò lan và những chậu xương rồng tích lũy được khá khiêm tốn.
Bỏ nghề xe, với số tiền tích góp được, anh sang Cần Thơ (CLB Xương rồng của ông Tư Kiếm) sưu tầm những loại xương rồng quí hiếm. Dần dà nhà anh trở thành địa chỉ cho người yêu thích xương rồng của tỉnh. Anh trở thành hội viên của Hội Sinh vật kiểng TP Mỹ Tho.
Rồi anh đến với cây Lan sau 3 năm gắn bó với xương rồng, một loại cây “sống khổ” nhưng đầy khát khao. Anh bảo “mình không có vốn đâu dám mạo hiểm”. Thế nên anh sử dụng phương châm “vết dầu loang” để phát triển giống cây này.
Sau 5 năm gắn bó, anh không thể nhớ nổi mình đã có bao nhiêu giải thưởng từ cấp thành phố,tỉnh đến khu vực. Tại Hội thi hoa kiểng ĐBSCL nhân Lễ hội 220 năm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút được tổ chức đầu năm, anh ẵm đến 8 giải (1 vàng, 2 bạc, 2 đồng, 3 khuyến khích) . Ngay cả biệt danh “vua” lan anh cũng chẳng màng cho dù lúc nào trong vườn nhà cũng có trên dưới 1000 giò lan các loại, nhiều nhất là Vanda, rồi Hồ điệp (Phalalnopsis), Catteeya... Từ trên dưới 100.000đ/giò cũng có, 10 –15 triệu đồng/giò cũng có .
Anh là người đầu tiên nhân giống thành công loài hoa Dã yên thảo ở đất Tiền Giang. Cùng với Đỗ quyên, Trà mi, Ly ly, Cát tường, Kim ngân lượng... “Nghề chơi lan cũng như trồng hoa đâu phải dễ ăn. Chỉ nội sở thích của khách hàng thôi là cũng đủ nhức đầu rồi, người thì thích hoa chỉ nở 1 màu, người tích nhiều màu vằn vện, đỏ thì phải đỏ nhung, vàng thì phải vàng tuyền, có hoa và phải có cả thật nhiều cây con! Đâu có mấy người hiểu được rằng để có những cánh hoa cuống dài màu sắc đẹp như ý muốn, người trồng hoa phải “gian khổ” và phải “trả giá” ở mức độ nào"– anh tâm sự.
Những thành công có được đối với hoa lan bắt nguồn từ những thất bại mà theo Tùng có mấy ai hay?! Song, niềm vui của anh vẫn là những cánh hoa, thật đẹp và người mua chấp nhận bỏ tiền... Càng cảm thấy vui hơn, khi người ta gởi lại “nhờ chú chăm sóc, sao tui trồng hoài chẳng thấy bông đâu!”. Với anh, đó chính là những khách hàng quen thuộc và là niềm vui để mình gắn bó với nghề.
Ngoài trồng và kinh doanh hoa kiểng, nhà anh giờ là nơi lui tới, mạn đàm của Hội Sinh vật kiểng Tiền Giang, cho những ai mê hoa kiểng không chỉ trong tỉnh mà luôn cả tỉnh bạn và TPHCM... Cũng chỉ có anh ở mảnh đất Tiền Giang là dám “chở củi về rừng” khi đầu tư một gian hàng bán lan tại TP Đà Lạt, rồi Nha Trang...
Chính những chuyến “xuất ngoại..tỉnh” này cùng với quá trình trồng tỉa hàng năm đã mang về cho anh trên dưới 200 triệu đồng tiền lãi. Mới 30 tuổi đời những chàng trai trẻ ấy đã mơ ước lai tạo những loài hoa mang đậm chất Việt Nam với cái tên cũng rất Việt từ bao loại lan rừng với các giống lan "tây, Á" .
Theo Gia Dũng (Nông thôn Việt Nam)
|