Tỉ phú làng mộc
Không vừa lòng với lối làm ăn manh mún, nhỏ lẻ của cha và các anh em, Phạm Trọng Vũ, thôn La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên, Nam Định) đã dốc toàn bộ vốn liếng, khăn áo đi tầm sư học nghề mộc cao cấp... Nghề mộc ở thôn La Xuyên có từ đời ông, đời cha Vũ. Nhưng ở cái làng quê hẻo lánh của anh, làm nghề mộc kiếm đủ ăn là may mắn lắm rồi. Quanh đi quẩn lại đám thợ trong làng cũng chỉ đóng được bộ bàn ghế, giường tủ đơn giản. Người nào lành nghề, có vốn khá thì làm thêm bộ sập hay hoành nhà. 7 anh em Vũ lớn lên cũng nối nghiệp cha theo nghề mộc. Nhưng hơn cha, các anh cập nhật thêm được kỹ thuật làm mộc mỹ nghệ.
Tuy nhiên, để có được bộ sản phẩm hoàn chỉnh, họ phải đưa hàng lên tận Hà Tây để gia công lại. Anh Vũ nhớ lại: "Những năm 1980, hàng mỹ nghệ khảm trai bắt đầu lấn lướt các mặt hàng gỗ mộc đơn giản. Để duy trì được nghề, thợ thủ công buộc phải thay đổi cách thức làm ăn, học thêm kỹ năng mới. Nhà tôi 4 đời làm thợ, không thể khoanh tay, bất lực nhìn thiên hạ làm giàu".
Nghĩ là làm, Vũ bắt đầu nghe ngóng, tìm hiểu cách thức chạm khảm ốc. Dốc toàn bộ vốn liếng, anh khăn gói lên đường ra Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, tìm đến làng nghề khảm ốc nổi tiếng để tầm sư học nghề. Anh kể: "Gần 1 năm làm anh thợ giúp việc, học được những kỹ thuật cơ bản, tôi về làng lập tổ khảm trai. Đội ngũ thợ ban đầu đều là anh em trong nhà. Để chắc ăn, thời gian đầu, tôi thuê thầy về giám sát kỹ thuật và hướng dẫn thêm tay nghề cho anh em trong tổ".
Không thỏa mãn với mặt hàng khảm trai phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ ở quê, Vũ bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu thị trường ở các thành phố lớn. Anh cũng lân la tới các công ty, doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu đồ gỗ mỹ nghệ để tìm cơ hội bán hàng. Biết được phần nào nhu cầu của "khách cấp cao", anh tiếp tục cử thợ đi học. Vừa làm, vừa học, vừa cải tiến mẫu mã, năm 1995, cơ sở của anh đã xuất xưởng được những mặt hàng sập gụ, tủ chè, ghế minh thái phượng, ghế rồng... và các loại hàng khảm trai.
Đầu năm 2000, anh ký được các hợp đồng cung cấp hàng cho các công ty, doanh nghiệp đồ gỗ cao cấp. Cũng thời điểm này, anh xây dựng được một xưởng sản xuất tại khu công nghiệp làng nghề Nam Định. Số lao động làm việc trong cơ sở cũng lên tới gần 70 người. Anh cho biết: "Những lao động chính tôi trả lương 1,2-1,5 triệu đồng/tháng, phụ việc trả công trung bình 800.000 đồng. Để khuyến khích thợ sáng tạo, thiết kế mẫu mới, tôi cũng quy định các mức thưởng cao".
Là một trong những tỉ phú ở làng nghề La Xuyên, mỗi năm Phạm Trọng Vũ đóng góp hàng chục triệu đồng vào các quỹ phúc lợi xã hội. Anh còn nhận 17 con em nhà nghèo, trẻ em tật nguyền vào học nghề và tạo việc làm. Những em này được anh nuôi ăn, ở, dạy nghề và trả 300.000 đồng/tháng.
Khi đang viết bài này, chúng tôi nhận được tin, anh Vũ vừa tặng một ngôi nhà tình nghĩa trị giá 30 triệu đồng cho gia đình ông bà Nguyễn Văn Tiệm ở cùng xã. Anh bảo: "Hình như càng giúp nhiều người tôi càng ăn nên làm ra. Tôi cũng vừa ký được hợp đồng cung cấp hàng với số lượng lớn cho một doanh nghiệp ở Hà Nội.
Theo Trần Thảo (Nông thôn Việt Nam)
|