Cây sầu riêng trên đất bazan
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn sầu riêng sai trĩu quả, Siu Hwunh
hái một quả chín mời tôi, khoe: "Nhờ vườn cây ăn trái này mà tôi có tiền nuôi
các cháu học đại học đấy...".
Siu Hwunh sinh ra và lớn lên tại làng Griêng 2, xã Ia Dêr, huyện Ia
Grai (Gia Lai). Vợ chồng anh nghèo, lại đẻ tới 6 đứa con nên cuộc sống càng khốn
khó hơn. "Năm 1990, tôi vào làm công nhân ở Nông trường Cao su Chư Păh. Hàng
ngày đi làm về, qua những vườn cà phê, vườn cây ăn trái của người Kinh tôi thích
lắm. Lúc bấy giờ đất đai ở Gia Lai bỏ hoang nhiều, tại sao mình không học người
Kinh làm. Tôi lân la hỏi cách trồng, họ chỉ bảo rất cặn kẽ cho tôi, nhưng tôi
lại không có tiền mua giống"- anh tâm sự.
Không có tiền phải nghĩ cách khác. Anh lên chợ mới Pleiku lân
la vào các quầy hàng bán hoa quả. Có một quả anh chú ý nhất là sầu riêng. Giá
mỗi quả tới vài chục ngàn đồng mà vẫn rất nhiều người mua. "Tôi nhờ mấy người
chuyên quét rác ở chợ hàng ngày gom hạt sầu riêng bán cho tôi để đem về ươm"-
anh kể. Hàng ngày, sau giờ làm việc ở nông trường, anh vác cuốc ra vườn đào hố
trồng sầu riêng. Nghe người Kinh nói, trồng sầu riêng xen với cà phê tận dụng
được đất đai, tăng nguồn thu, anh về làm thử trên 1,2ha vườn. Mỗi năm trồng thêm
một ít, đến nay 3ha đất bỏ hoang đã được anh phủ xanh sầu riêng, cà phê và một
số cây ăn trái khác. Anh nhẩm tính: với 400 cây sầu riêng, 20 cây chôm chôm, 30
cây hồng xiêm, hàng trăm cây nhãn, 1ha cà phê, 1ha tràm, 6 sào ruộng (thu 6 tấn
thóc/năm), ao cá (bán 3.000 con cá giống/năm), mỗi năm gia đình anh bỏ túi hơn
50 triệu đồng.
Anh tâm sự: "Có tiền, vợ chồng tôi mua máy cày, máy xay xát,
máy bơm nước về phục vụ vườn cây và đầu tư cho các con học hành". Không ỉ lại
vào chính sách ưu tiên của Nhà nước, anh chủ động cho tất cả các con đến trường.
Con trai đầu của anh đã tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nay đang công tác
tại Nhà máy Thuỷ điện Sê San 3A. Cô con gái thứ 2 tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm
Gia Lai, hiện là giáo viên Trường THCS của xã Ia Dêr. Cô con gái thứ 3 hiện đang
học ở Trường ĐH Quy Nhơn và 3 đứa sau đều đang học ở Trường PT DT nội trú huyện
Ia Grai. Niềm tự hào của vợ chồng anh không phải là có tiền triệu mà là các con.
Làng Griêng có 5 người học đại học thì riêng gia đình anh chiếm 2. Anh bảo, do
không biết chữ, không biết phân biệt phải trái nên một số thanh niên trong vùng
bị bọn xấu lừa phỉnh. Mình làm giàu là để cho con cái đi học, để biết chọn cái
đường sáng mà đi".
Dân làng Griêng 2 kính nể anh không chỉ bởi gia đình anh làm ăn
giỏi, con cái học hành giỏi giang mà còn vì anh biết thương dân làng. Xã Ia Dêr
có 12 làng thì làng nào cũng có người được anh giúp cây giống và những hộ này
giờ đều có thu nhập đáng kể từ vườn cây ăn quả. Ông Siu Wơt- Bí thư Đảng ủy xã
Ia Dêr cho hay: "Hộ Siu Hwunh là gia đình văn hoá tiêu biểu của xã văn hoá Ia
Dêr".
Gia Dũng (Theo NTNN)
|