Vua cá lóc
Ở vùng phèn chua xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, nhiều người gọi ông Nguyễn Văn Dính là "vua cá lóc", bởi ông là người đầu tiên khai sinh nghề nuôi cá lóc ở Đồng Tháp Mười.
Chinh phục đất phèn
Nhà ông Sáu Dính nằm heo hút bên kênh Đồng Tiền. Đó là căn nhà sàn cao ráo, thoáng mát cất theo kiểu vượt lũ, chung quanh là những hầm cá ước chừng 6.000 m2 . Ông Sáu Dính năm nay đã ngoài 70 tuổi, người gầy ốm nhưng trông còn khỏe mạnh, mầu da ngăm đen, đôi mắt sáng, hai bàn tay sần sùi chai sạm.
Thấy chúng tôi đến nhà, ông khoe: "Chỉ riêng cái hầm nhỏ sau nhà mỗi vụ nuôi thu hoạch từ 15- 20 tấn, kiếm vài chục triệu đồng. Làm nghề này bận rộn quanh năm, không lúc nào nghỉ tay được. Khi thì ươm cá giống rồi chăm sóc cá thương phẩm, cá bố mẹ..., xong hầm này quay sang hầm khác, cứ xoay vòng liên tục. Mà nuôi cá lóc khó lắm chớ không dễ ăn đâu, chỉ cần sơ hở một chút hoặc không nắm vững kỹ thuật, diễn biến thời tiết, để cá nhiễm bệnh thì lỗ vốn hàng trăm triệu đồng là chuyện không tránh khỏi". Bình quân mỗi năm nuôi 2 đợt, ông Sáu thu về hơn 200 tấn cá lóc thương phẩm, sau khi khấu trừ chi phí còn lời khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn canh tác hơn 50 công ruộng, thu vào không dưới 2.500 giạ lúa mỗi năm.
Ông kể, ông sinh ra ở vùng biên giới Châu Đốc (An Giang). Nhà nghèo không nghề nghiệp, không đất đai sản xuất, lấy vợ xong ông lang thang khắp nơi tìm việc. Đầu thập niên 1960, con kênh Đồng Tiến được đào xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Nghe nhiều người đồn đại vùng này đất rộng người thưa, cá tôm nhiều vô kể. Thế là ông bàn với vợ lặn lội từ An Giang sang Tam Nông cất chòi lập nghiệp. Đúng như lời đồn, xứ Tam Nông thời đó hoang vắng, đìu hiu, đi 3- 4 cây số mới có một mái nhà, đất đai mênh mông nhưng toàn bộ đều nhiễm phèn chua, trồng lúa kém hiệu quả, trồng màu cũng không xong.
Ban đầu, ông cũng như những hộ di dân khác, được nhà nước cấp cho 3 ha đất phèn. Vợ chồng mừng rỡ, gom góp tiền làm thuê, làm mướn mua lúa giống gieo sạ. Đất phèn, lại gặp hạn lúa chỉ sống được hơn tháng, rồi khô héo dần mà chết. Cuộc sống đã nghèo lại càng nghèo thêm. Không nản chí, ông tiếp tục mua lúa giống sạ tiếp vụ 2, vụ 3... nhưng lúa không sống được trên vùng đất phèn chua, lau sậy này. Thiếu ăn, đói khát ngày càng đè nặng hơn, hàng loạt hộ bắt đầu bỏ vùng Đồng Tháp Mười khắc nghiệt ra đi tìm nơi ở khác. Ngay cả những bạn bè, người thân của ông Sáu cũng lặng lẽ rút lui.
Thế nhưng, ông một mực bám trụ quyết tâm chinh phục vùng đất khó. Rút kinh nghiệm từ 3 vụ trước trắng tay, đến lần thứ 4 ông đào mương nhỏ chung quanh để vừa hạ phèn, vừa tích trữ nước. Không chỉ điều chỉnh lại lịch thời vụ để né hạn, ông còn lặn lội tìm cán bộ nông nghiệp học kỹ thuật và cách chăm sóc, bón phân, chọn giống có sức đề kháng sâu bệnh. Cuối vụ, ông thu hoạch được gần 200 giạ lúa, một thành công ngoài sức tưởng tượng.
Đưa cá lóc về Đồng Tháp Mười
Chinh phục được vùng đất phèn chua, năng suất lúa ông làm mỗi năm không ngừng tăng lên. Ông tích lũy mua thêm đất ruộng, mở rộng sản xuất, cuộc sống gia đình từng bước ổn định nhưng ông biết, nếu cứ độc canh cây lúa thì rất khó vươn lên làm giàu. Vậy là, ông tiếp tục tìm tòi những mô hình làm ăn mới. Những năm 1990, thấy người dân khắp nơi về Tam Nông sinh sống ngày càng đông, nguồn cá đồng tự nhiên bị khai thác cạn kiệt dần, ông nảy sinh ý định nuôi cá lóc đồng. Thông thường, cứ đến tháng 4, tháng 5 âm lịch, mưa xuống thì cá lóc mẹ sinh sản rất nhiều. Thế là, ông đi vớt cá con (cá ròng ròng) đem về nuôi.
Mấy năm đầu liên tục thất bại, cá con chết hàng loạt. Nguyên nhân do thức ăn như tấm, cám, cơm, hột vịt... không hợp khẩu vị của chúng. Suy nghĩ mãi, cuối cùng ông bắt ốc và cá tạp quết nhuyễn cho cá ăn thử, không ngờ thành công. Năm 1993, khi có được nguồn cá giống ổn định, ông bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi cá lóc thương phẩm đầu tiên ở Tam Nông. Sau tám tháng nuôi, ông Sáu Dính thu hoạch được trên 5,2 tấn cá lóc loại 1, với giá bán từ 12.000 đồng/kg trở lên, trừ chi phí ông còn lời 27 triệu đồng. Lúc này cả huyện xôn xao. Năm đó, ông được huyện chọn đi báo cáo điển hình nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Cả huyện nuôi cá lóc quanh năm
Thấy ông Sáu nuôi cá lóc đạt hiệu quả cao, nhiều hộ chung quanh bắt đầu xẻ mương, đào ao chuyển sang nuôi cá lóc. Ngay cả những hộ ở Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành A, Tân Công Sính (huyện Tam Nông)... và Cà Mau, An Giang, Kiên Giang... cũng tìm đến học hỏi mô hình nuôi cá lóc của ông. Ông tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phương pháp cho ăn, cách phòng trị bệnh... để mọi người áp dụng. Phong trào nuôi cá lóc từ đó phát triển mạnh lên, từ vài ha ban đầu đến nay tăng lên hàng trăm ha, khắp huyện chỗ nào cũng có người nuôi. Nếu như ngày trước mỗi năm chỉ nuôi được cá lóc trong mùa lũ thì nay nhờ áp dụng tốt kỹ thuật nên thả nuôi được quanh năm. Do nhu cầu nuôi tăng cao, nguồn cá giống tự nhiên không đủ cung cấp.
Lúc này, ông Sáu Dính cùng một số hộ lân cận nghiên cứu chọn cá từ 200 gram trở lên cho sinh sản nhân tạo, nhờ đó phát hiện ra giống cá lóc môi trề ăn mạnh, lớn nhanh (khoảng 4 tháng/vụ), nuôi được quanh năm và cho sinh sản rất dễ. Có được nguồn cá giống nhân tạo dồi dào, ông Sáu chủ động sắp xếp lịch thời vụ. Thông thường, từ tháng 10 đến tháng chạp thời tiết lạnh, cá dễ nhiễm bệnh. Ông thường xuống giống né thời điểm này và cho thu hoạch vào tháng 7- 8 hoặc dịp Tết để bán giá cao. Theo ông Sáu Dính, để nuôi cá lóc thành công, ngoài khâu kỹ thuật cần nắm vững nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Là người có công lớn phát triển nghề nuôi cá lóc trên vùng Đồng Tháp Mười, ông Sáu nhận được nhiều bằng khen của huyện, tỉnh và Trung ương, từng hai lần đi báo cáo điển hình tại Hà Nội về mô hình sản xuất giỏi. Ông đang thử nghiệm nhiều cách phòng trị bệnh cho cá, giúp bà con an tâm phát triển và làm giàu từ nuôi cá lóc.
Gia Dũng (Theo SGGP)
|