Vương quốc ba ba
"Đức ba ba phải không? Cái trang trại to tướng ở ngay đầu làng ấy". Với lời chỉ dẫn như vậy, chúng tôi dễ dàng tìm đến "vương quốc ba ba" của Lê Văn Đức ở thôn Bùi, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà - Thái Bình.
Cả họ đi... thế chấp.
Ngay khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, anh Đức quyết định nhận 2.400m2 đất của xã giao, dù lúc ấy, trong nhà không có đến một món tài sản giá trị. Lê Văn Đức nhớ lại: "Để có thể vay được tiền của ngân hàng, tôi thuyết phục gia đình mẹ vợ, mẹ đẻ và anh trai ruột cho thế chấp đất". Đức quyết định trồng nhãn, vải và cam quýt trên mảnh đất của mình nhưng thất bại. Gần mười năm vật lộn, anh nhận thấy thu nhập từ cây ăn quả không hiệu quả. Năm 2003, Đức quyết định chuyển hướng sang nuôi ba ba.
Táo bạo và thành công
Gom góp toàn bộ tài sản, gia đình anh cho thu dọn vườn tược và quyết định đầu tư 130 triệu đồng xây dựng 11 ao nuôi thả ba ba. Năm 2004, lần đầu tiên trang trại ba ba đem lại cho gia đình anh hơn 400 triệu đồng. Không dừng ở đây, Lê Văn Đức tiếp tục đầu tư mạnh hơn và nếu thời tiết thuận lợi, năm nay gia đình anh sẽ bán ra thị trường khoảng 1,6 tấn ba ba thương phẩm với giá 250.000 đồng/kg, tương đương trên 400 triệu đồng.
Chính nhờ những ngày khăn gói học tập kỹ thuật nuôi ở khắp nơi, kinh nghiệm để ba ba sống khoẻ và sinh sản tốt bắt đầu hình thành. Nền ao nuôi phải được dọn sạch, ba ba chỉ bị một trầy xước nhỏ là không lớn được nên gạch xây bao quanh ao cần nhẵn mặt, không bị phồng nổ. "Người nuôi cần hạn chế tối đa việc lội xuống ao, gây động và chỗ đẻ cho ba ba cũng phải cố định, yên tĩnh" - anh Đức đúc kết.
Cho đến nay, Đức đã đầu tư cho trang trại của mình không dưới 500 triệu đồng. Ban đầu ai cũng cho rằng anh thiếu thực tế, ngay cả vợ anh cũng không đồng tình. Nhưng thực tế lại khác, trang trại của anh đến nay không những chỉ đem lại nguồn thu cho gia đình mà còn giải quyết cho hàng chục lao động trong làng. Vào lúc cao điểm, gia đình anh phải sử dụng từ 30 đến 40 lao động.
Có rất nhiều người ở các nơi đến học tập mô hình của gia đình anh. "Nhiều người đến từ Hà Giang, Hoà Bình hay Thanh Hoá hỏi rằng, liệu họ có thể thành công không? Tôi đã nói rằng, tôi là nông dân và họ cũng là nông dân, chỉ cần có quyết tâm và chịu khó học hỏi là sẽ có thể làm được" - Đức tâm sự.
Theo Trần Thảo (Nông nghiệp – Nông thôn Việt Nam)
|