An Giang có chiếu uzu.
Những người bạn ở tận miền Trung hỏi tôi về sản phẩm chiếu uzu được bày bán ở Châu Đốc-An Giang, tôi nghĩ chắc là chiếu nhập từ Thái Lan qua ngõ biên giới vì cái tên nghe lạ quá. Nhưng không phải...
Ngược về An Giang, tôi tìm mua chiếu thì được bà chủ bán hàng ở chợ Châu Đốc giới thiệu chiếc chiếu uzu xếp 3 lớp được nhập từ... Hàn Quốc. Chiếc chiếu dài 1,6 mét, có hình thêu hoa văn, cây cảnh, muông thú rất xinh xắn, những người khách đứng gần tôi đều tấm tắc khen chiếu đẹp, sờ vào mát tay. Ba mảnh chiếu được kết nối bằng vải để khi gấp lại, chiếu tạo thành một khối hình chữ nhật dài hơn 5 tấc, rộng hơn 2 tấc, người sử dụng có thể mang theo mình trong các chuyến đi chơi xa.
“Tôi quen nằm chiếu rồi nên hôm đi du lịch ở Nha Trang, tôi biết là khách sạn không có chiếu nên mang theo chiếc chiếu này để trải nằm. Sợi dệt là cọng uzu chứ không là dây cói, dây lác như chiếu thông thường nên nằm rất mát...” – bà chủ bán hàng không ngừng “ca” về chiếu uzu với khách hàng từ phương xa đến. Giá 170.000 đồng/chiếc, chiếu uzu 1,6x2 mét, giá đắt gấp 4 lần so với chiếu thường mà người mua vẫn không tiếc tiền. Săm soi một hồi, tôi phát hiện mặt trái ở phần hình thêu của chiếu, còn sót lại mảnh giấy lót ghi tiếng Việt, tôi liền hỏi bà chủ bán hàng. Biết đã “bể mánh”, bà chủ “thú thiệt” một cách vui vẻ: “Mới có cơ sở dệt chiếu này ở Tân Châu gần đây thôi mà...”.

Theo lời chỉ dẫn của người bán hàng, tôi tìm đến cơ sở dệt chiếu của anh Nguyễn Văn Tho ở xã Long An, huyện Tân Châu, An Giang. Tưởng cơ sở phải “hoành tráng” lắm nhưng thực tế nơi đây bình thường như bao cơ sở dệt chiếu khác. Đó là một căn nhà lợp lá chạy dài khoảng 50 mét, bên trong đặt 30 khuôn dệt chiếu thủ công tương tự khuôn dệt chiếu truyền thống và máy may viền. Tôi kể lại về chuyến “thâm nhập thị trường” ở Châu Đốc, anh Tho cười, bảo: “Tại dân mình không chuộng hàng nội nên người bán phải “chiều lòng khách” nói vậy thôi. Khách hàng đã sử dụng chiếu uzu một lần thì tôi tin chắc họ vẫn chấp nhận mua với giá này, dù biết đó là hàng nội...”. Dẫn tôi tham quan cơ sở sản xuất, anh Tho giới thiệu đủ các công đoạn để làm ra sản phẩm. Nguyên liệu uzu phần lớn được nhập từ Campuchia do một số người dân bản địa chuyên trồng loại cây này thay thế hoặc xen canh với cây lúa. Thân uzu như cây cỏ bông, ruột rất mềm nên chỉ chẻ lấy phần da để dệt chiếu. Vì thế, khuôn dệt chiếu truyền thống phải được cải tiến phần “go” phù hợp với sợi po-li-te vừa vặn với cọng uzu thay vì sợi bố trong dệt chiếu bằng sợi lác hoặc cói. Nguyên liệu gốc có màu trắng sữa được nhuộm thêm hai màu xanh lục và đỏ từ nguyên liệu vỏ, lá, rễ của cây tự nhiên theo công nghệ ướt, đảm bảo độ bền cao, không phai màu khi giặt. Chiếu dệt xong phải được đưa vào máy ép để tạo độ dính và trơn bóng.
Nói về nghề dệt chiếu uzu chỉ mười phút là xong. Nhưng với anh Tho, đó là cả một quá trình tìm kiếm rất công phu. Anh Tho còn nhớ, trong một lần nuôi người thân bệnh ở Sài Gòn, anh Tho được người bạn đưa chiếc “chiếu sinh viên” xếp gọn bằng chiếc gối nằm của trẻ con. Lật đi lật lại chiếc chiếu, anh không khỏi tò mò vì một sản phẩm tiện lợi lại trông rất bắt mắt. Hỏi ra anh mới biết, chiếu được làm ở Campuchia bán sang Hàn Quốc rồi mới nhập về Việt Nam. “Tại sao lại phải đi một vòng quá dài rồi mình mới có để sử dụng? Việt Nam có nghề dệt chiếu lâu đời tại sao không nhập nguyên liệu tạo ra sản phẩm rẻ hơn mà phải nhập từ Hàn Quốc?”. Những thắc mắc buộc anh phải vượt biên giới sang đất bạn tìm tận nơi trồng uzu và học cách dệt chiếu từ nguyên liệu này. “Thì ra, đó cũng là kiểu dệt chiếu truyền thống của ông bà mình cả thôi. Tất nhiên, phải chỉnh sửa một vài chi tiết cho phù hợp với nguyên liệu” - anh Tho cho biết. Học được căn bản nghề, năm 1997 anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng mở cơ sở dệt chiếu uzu tại Tân Châu. Tuy nhiên, thời gian đầu chỉ gia công sản phẩm nên giá không cao. Chỉ hơn một năm, anh lỗ đứt vốn. Không chịu “bó tay”, anh Tho tìm đến tận các cơ sở xử lý chiếu trước khi xuất khẩu ở Sài Gòn, tìm hiểu các công đoạn cuối cùng để có một sản phẩm hoàn chỉnh với ba khuôn dệt còn lại. Anh đóng vai người bán nguyên liệu uzu để có thể xâm nhập vào những nơi dệt chiếu, tận mắt chứng kiến cách xử lý nguyên liệu. “Vất vả lắm tôi mới nắm được bí quyết xử lý chống mốc, làm trắng sạch chiếu bằng cách dùng lò lưu huỳnh hun khói. Đây là “bí quyết” lớn nhất trong nghề dệt chiếu uzu. Từ đó, tôi tự xử lý sản phẩm tại cơ sở và chuyển lên Sài Gòn thêu mẫu lên chiếu...” – anh Tho tâm sự.
Tuy nhiên, sản phẩm hoàn chỉnh của anh không được các DN xuất khẩu chấp nhận vì nhiều lý do. Lại một phen lận đận, anh lại phải tiếp tục “vay nóng” 20 triệu đồng để duy trì cơ sở chỉ vài ba khuôn dệt. Lúc đó, anh vừa là chủ cơ sở dệt chiếu kiêm luôn nhiệm vụ bán chiếu. Anh lặn lội sang Campuchia mua nguyên liệu, thuê người dệt và tự anh vác chiếu đi khắp nơi tiếp thị. Ban đầu, các chủ bán hàng nguầy nguậy lắc đầu từ chối vì giá quá cao. Cuối cùng, anh đành ký gởi sản phẩm cho các chủ cửa hàng; đồng thời đưa chiếu uzu tham gia các kỳ hội chợ ở ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, xem đó là cách quảng bá sản phẩm tốt nhất hướng đến người tiêu dùng. Không lâu sau, mặt hàng chiếu uzu của anh đã được đông đảo khách du lịch đi vía Bà ở Núi Sam - Châu Đốc tìm mua. “Bây giờ, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho các cửa hàng. Tiêu thụ mạnh nhất là khu vực Châu Đốc, do có nhiều khach du lịch từ các địa phương đổ về, được nghe giới thiệu về mặt hàng chiếu uzu nên tìm mua để làm quà cho bạn bè, người thân; thị trường thành phố Hồ Chí Minh cũng đang “ăn khách”. Gần đây, tại các kỳ hội chợ, nhiều DN đặt vấn đề ký kết hợp đồng xuất khẩu nhưng tôi đành từ chối vì năng lực còn hạn chế...” - anh Tho nói giọng tiếc rẻ.
Hiện nay, sản phẩm chiếu uzu đang giúp anh “ăn nên làm ra” ở thị trường nội địa. Cơ sở dệt chiếu uzu Tân Châu Long của anh có 30 khuôn dệt và 2 cơ sở vệ tinh khác, với qui mô 20 khuôn/cơ sở. Ngay từ trước Tết Nguyên đán Bính Tuất, anh Tho đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ lễ hội vía Bà Chúa xứ Núi Sam vào cuối tháng 4 âm lịch. Anh cho biết: “Mùa vía Bà năm ngoái, chiếu không đủ bán nên năm nay phải tăng công suất để đáp ứng nguồn hàng cho các cơ sở kinh doanh ở ĐBSCL và vừa phục vụ khách du lịch. Có đợt hút hàng, giá bán một chiếc chiếu uzu tăng cao hơn bình thường mấy chục phần trăm nhưng khách hàng vẫn chấp nhận vì mẫu mã sản phẩm phong phú, đẹp...”.
Bà Phan Thị Khè, du khách đến từ Quảng Ngãi, cầm đôi chiếu thêu hạc trắng trên tay, nói với vẻ thích thú: “Chiếu uzu đẹp và mềm mại hơn so với chiếu làm bằng dây cói, lác. Năm ngoái, mua đôi chiếu về dùng cả năm rồi mà vẫn mới toanh. Nghe tôi đi vía Bà, mấy người hàng xóm gởi mua...”.
Anh Tho cũng không giấu giếm khi trả lời về chiến lược tung ra thị trường những mẫu chiếu uzu mới dưới dạng quà tặng, với các họa tiết thêu sắc sảo... Như vậy, từ đây du khách đến An Giang sẽ có thêm một “đặc sản” mới là chiếu uzu bên cạnh những đặc sản truyền thống của địa phương...
bannhanong.vietnetnam.net (28/3/2006) (Nguồn:CTo)
|