Đa dạng hóa sản phẩm:Độc đáo khô cá tra phồng Châu Đốc.
Cá tra, ba sa Việt Nam có đến “một trăm lẻ…” món thì món khô cá tra phồng phải được kể là một món nhưng không nằm trong “số lẻ” đó bởi hương vị đặc biệt của nó. Vì vậy, người ta thường gọi món ăn này là món “một trăm lẻ + 1” từ nguyên liệu cá tra...Đây là sáng tạo độc đáo của doanh nhân nhằm đa dạnh hóa sản phẩm...
Món ăn khoái khẩu.
Du khách đến An Giang, hầu như ai cũng biết đến món khô cá tra phồng như món mắm Châu Đốc. Chỉ có vùng đất trù phú này mới có những sản phẩm ngon đến vậy. Người ta thường nói “ăn không hết thì phơi khô để dành”, nhưng đối với món khô cá tra phồng thì phơi khô không phải vì thừa mứa mà là một đặc sản rất hấp dẫn mọi người. Mấy vị khách Tây rất ngạc nhiên trước cá tra, ba sa “một trăm lẻ…” món được xuất khẩu khắp các nước. Khi đến Châu Đốc, họ càng ngạc nhiên và thích thú trước vị béo ngậy và mặn mòi của món khô cá tra phồng chiên hoặc nướng. đối với người Việt Nam, nhất là dân miền Tây, ngửi được mùi khô nướng từ xa đã thấy bụng đói cồn cào, nhớ đến món cơm trắng ăn với khô nướng bốc bằng tay... Người dân Châu Đốc cũng là dân “sành ăn” nên đã “chết mệt” với món ăn đậm đà của xứ Biển Hồ Campuchia. “Cắn miếng khô cá tra phồng lùa vào miếng cơm dẻo thơm trong lúc bụng đói thì… ngon chết được! Khô tra phồng khác với các loại khô thông thường là chỉ phơi “dốt dốt” chứ không khô queo như cá lóc, cá sặt… khi cắn vào, mỡ cá còn tươm ra, thế mới là khô ngon…” - Trương Hải, Giám đốc Công ty TNHH Trương Hải - chuyên sản xuất khô cá tra phồng, nói với vẻ đắc chí về món ngon mà ông đang theo đuổi .
Món ăn xứ Biển Hồ đã quyến rũ người dân Châu Đốc khiến họ mang nghề về hạ lưu sông Mekong phát triển thành một nghề truyền thống. Sau chiến tranh biên giới Tây-Nam, Việt kiều ở Campuchia trở về nước mang theo món ăn độc đáo là khô cá tra phồng. Ban đầu, người dân Châu Đốc chỉ xẻ cá tra làm khô để dùng trong gia đình, làm quà cho người thân ở xa. Cho đến khoảng năm 1990, khô cá tra phồng phát triển thành một nghề mới qua việc tận dụng nguồn nguyên liệu từ sông Mekong. Dàn phơi cũng được cất bằng tre ngay trên mặt sông để có thể hấp thụ cái nắng suốt cả ngày và hơi nước từ mặt sông Hậu tỏa lên. Người ta thường bảo, “bí kiếp” của nghề xẻ cá tra làm khô là ở chỗ này nên đã tạo được hương vị thơm ngon riêng so với các loại cá khô khác. Nghề này chỉ có duy nhất tại đầu nguồn sông Cửu Long và trong thời gian ngắn lôi cuốn được vị giác người tiêu dùng trong cả nước. Vào dịp lễ hội vía Bà Chúa xứ Núi Sam, món khô cá tra phồng được xem là một đặc sản của đất An Giang, bán đắt như tôm tươi. Người mới đến vùng đất này và cả những người dân xa xứ đều vương vấn bởi hương vị khó quên của món ăn này, và khi đến An Giang thì tìm mua ngay sản phẩm khô cá tra phồng…
“Đường bơi mới "
Một điều khiến người sản xuất lẫn cơ quan chức năng tỉnh An Giang phải quan tâm là sản phẩm dù đang rất “ăn khách” tại thị trường của nhiều nước trên thế giới nhưng không ai biết đó là một đặc sản có nguồn gốc từ An Giang. Trong kế hoạch xây dựng thương hiệu cho con cá tra, ba sa Việt Nam, An Giang cũng chú ý đến việc tạo dựng một thương hiệu cho món khô cá tra. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, nghề cá vẫn còn lao đao và người sản xuất khô cá tra phồng Châu Đốc vẫn phải bán sản phẩm cho các Hoa kiều Chợ Lớn để xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước lân cận. Tất nhiên, sản phẩm được mang một thương hiệu khác khi đến tay người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu. Nhưng Trương Hải không làm thế. Anh hiểu được thế bị động của người sản xuất dễ bị “bắt chẹt” khi có sự biến động của thị trường nên mạnh dạn mở cho mình một hướng đi mới. Ban đầu, anh quảng bá sản phẩm của mình với khách du lịch đến địa phương và trong các kỳ hội chợ trong nước… để mở rộng thị phần. Bước cải tiến và cũng là một bước ngoặt mới trong nghề sản xuất khô cá tra phồng của Trương Hải là sản phẩm được đóng gói bao bì bắt mắt, hút chân không và giữ đông để sản phẩm được kéo dài thời gian sử dụng từ 7 ngày lên đến 6 tháng.
Năm 2005 được xem là một bước tiến dài của nghề truyền thống này khi sản phẩm được bày bán trực tiếp tại hội chợ Trung–Việt ở Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và Hội chợ nông nghiệp tại Bắc Kinh năm 2005. Công đầu trong việc quảng bá khô cá tra phồng phải kể đến Trương Hải. Anh rất vui khi kể lại chuyến hàng đầu tiên tiếp cận thị trường Trung Quốc tại 2 kỳ hội chợ: “Tôi thật sự không ngờ hàng Việt Nam lại được ưa chuộng như thế tại Trung Quốc. Chỉ trong buổi khai mạc, hàng mang qua không đủ bán, buộc lòng tôi phải giữ lại một ít làm mẫu trưng bày suốt kỳ hội chợ. Không ít khách hàng giận hờn khi mua hàng mà mình không bán…”. Kết thúc hai kỳ hội chợ, anh mang về Việt Nam hai tấm bằng Tối ưu về chất lượng do người tiêu dùng Trung Quốc bình chọn và bằng Danh dự của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc trao tặng. Kèm theo đó là những đề nghị hợp tác của các đối tác nhập khẩu với mỗi đơn đặt hàng trên 100 tấn. Vừa nghe lời đề nghị, Trương Hải đã toát mồ hôi hột vì lượng hàng quá lớn. Làm thủ công, cơ sở của anh cũng chỉ sản xuất được vài tấn/ngày trong khi đơn đặt hàng lên đến 100 tấn trong vòng 3-4 ngày thì có thu gom hết lượng hàng của các cơ sở ở Châu Đốc cũng không đáp ứng được. Trương Hải cho biết: “Không sang Trung Quốc thì không sao biết được thị trường tiềm năng rộng lớn đối với mặt hàng khô cá tra phồng. Mặt hàng này hấp dẫn người tiêu dùng Trung Quốc hơn các sản phẩm khác được chế biến từ nguyên liệu cùng loại. Cá tra Việt Nam có thể tồn tại lâu dài tại thị trường này…”.
Theo thống kê của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), toàn tỉnh có 5 cơ sở sản xuất khô cá tra phồng tập trung tại thị xã Châu Đốc, với năng lực chế biến từ 2-5 tấn thành phẩm/cơ sở/ngày. Vì vậy trong điều kiện hiện nay, một đơn đặt hàng 100 tấn trong vòng 3-4 ngày là “chuyện khó”. Muốn khẳng định và phát triển một ngành nghề, đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các thành viên trong làng nghề để tạo được sức mạnh chung, đồng thời tạo được nguồn hàng đáp ứng nhu cầu đối tác. Sở Thương mại và cơ quan xúc tiến thương mại cùng AFA nhiều lần kêu gọi sự liên kết này nhưng lại thiếu một “nhạc trưởng” nên việc xây dựng một thương hiệu chung cho làng nghề vẫn chưa được xúc tiến. Vì vậy, Trương Hải chuẩn bị cho một bước đột phá mới trong nghề sản xuất khô cá tra phồng Châu Đốc. Anh báo tin vui: “Tôi đang tất bật cho việc xây dựng nhà máy chế biến khô cá tra phồng hoạt động theo công nghệ Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là thị trường khó tính. Tất cả các dây chuyền sản xuất đều được thực hiện trên máy móc, công suất 60 tấn/4máy/ngày. Với công nghệ này, tôi có thể đáp ứng các đơn đặt hàng của đối tác trong năm 2006…”. “Đây thật sự là một tin vui cho nghề sản xuất khô cá tra phồng Châu Đốc, mở một hướng mới cho nghề này phát triển. Chính quyền địa phương rất ủng hộ và tạo điều kiện tốt cho các cá nhân có sự đầu tư như thế ngay tại vùng nguyên liệu cá...” – bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh An Giang, cho biết.
Từ sự tình cờ thưởng thức được món khô cá tra phồng của vùng Biển Hồ-Campuchia, vị béo mằn mặn của thịt cá tra ướp muối đã “quyến rũ” Trương Hải đến mức anh trở thành ông chủ hàng đầu trong nghề sản xuất khô cá tra phồng ở Châu Đốc hiện nay. Sự bề thế của một công ty trách nhiệm hữu hạn thay vì một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, cùng với hệ thống máy móc mà anh đang đầu tư sẽ mở thêm một hướng cho con cá tra Việt Nam sang “thị trường tỉ dân” Trung Quốc và các thị trường khác. Một “đường bơi” mới đã hình thành và hy vọng ngày càng rộng mở từ sự phát triển của nghề sản xuất khô cá tra phồng Châu Đốc
Nguồn:CTOL-bannhanong.vietnetnam.net (27/3/2006)
|