Tiên Du -Bắc Ninh,mô hình VAC đạt từ 80 triệu - 100 triệu đồng/năm.
Nông dân huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã khai thác thế mạnh, tiềm năng đất đai, phá thế độc canh cây lúa chuyển sang phát triển kinh tế VAC tổng hợp, vừa nâng cao mức thu nhập, vừa giải quyết thêm được nhiều việc làm cho người lao động.
Những hộ nông dân này đều dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng lập các trạng trại chuyên chăn nuôi lợn, thả các loại cá giống, cá thương phẩm, trồng các loại cây ăn quả đặc sản... đã đạt mức thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng/năm trở lên. Trong số này, có tới 550 hộ nông dân trở thành những ông chủ trang trại với số vốn đầu tư từ 300 triệu đến hơn 1 tỷ đồng, đạt doanh thu hàng năm từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng trở lên, góp phần đưa tổng số hộ lên tới trên 300 hộ đạt danh hiệu sản suất kinh doanh giỏi từ cấp huyện đến Trung ương và bình quân hàng năm, huyện có 160 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống chỉ còn 17,7% hiện nay.
Là một địa phương không được coi là "rốn nước" của tỉnh, nhưng nhiều năm trở lại đây, huyện đã tích cực vận động nông dân tận dụng những diện tích ao, hồ, đầm, ruộng trũng cấy lúa không ăn chắc chuyển sang làm kinh tế tổng hợp và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Để thu hút được nhiều nông dân tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện thực hiện các chính sách hỗ trợ về tiền vốn, khoa học kỹ thuật, tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài tỉnh, giúp bà con có kiến thức, áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả.
Nhiều người dân tự đi học tại trường trung cấp thuỷ sản, Viện Thuỷ sản để tiếp thu, nắm bắt kịp thời các công nghệ tiên tiến trong sản xuất con giống có chất lượng cao, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh ở gia súc, gia cầm, kỹ thuật nuôi các loại cá, tôm, ba ba... , nên đã phát huy được năng lực của mình đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp theo quy mô hàng hoá. Để làm ăn bền vững, một số hộ bước đầu sản xuất theo quy mô nhỏ để vừa làm, vừa học, vừa đúc rút kinh nghiệm để sau này mở rộng quy mô. Vậy là hàng trăm ha cấy lúa cho năng suất, hiệu quả kém và ao hồ, đầm bỏ hoang đến nay, trở thành những trang trại VAC với các loại cây con mới như: cá chép lai, tôm càng xanh, ba ba, lợn siêu nạc và nhiều loại cây ăn quả đặc sản trên diện tích từ 1 ha trở lên, tập trung chủ yếu ở các xã Phú Lâm, Hạp Lĩnh, Lạc Vệ, Hiên Vân, Việt Đoàn... mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần so với trước đây. Một số hộ do có số vốn đầu tư lớn, lại có kinh nghiệm làm ăn, nên tăng mức lãi lên tới trên 100 triệu đồng/năm; cá biệt có hộ lãi từ 150 đến 200 triệu đồng/năm, nhanh chóng trở thành những hộ giàu có. Điển hình là hộ ông Ngô Văn Tốn, ở xã Hạp Lĩnh đầu tư tới 4 tỷ đồng nuôi trên 600 con lợn nái, thả 1 mẫu cá, trồng 400 gốc măng Bát Độ, cho mức lãi hàng năm gần 1 tỷ đồng và tạo việc làm cho gần 10 lao động. Ông Nguyễn Văn Triển, ở xã Việt Đoàn với diện tích trên 1 ha, đầu tư thả 2 mẫu cá, nuôi trên dưới 200 con lợn nái, cho mức thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Ông Nguyễn Trọng Màn , ở xã Phú Lâm đã nuôi 100 con lợn thương phẩm, 5 con lợn nái ngoại, kết hợp với thả cá cũng cho thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.
Từ nay đến 2010, huyện tiếp tục vận động nông dân chuyển dịch thêm 105 ha ruộng trũng, nâng tổng diện tích kinh tế trang trại lên 445 ha, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên.
bannhanong.vietnetnam.net (7/4/2006)
(Nguồn:TTXVN)
|