Chương Mỹ-Hà Tây: chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp .
"Qua đánh giá, Chương Mỹ đã kiểm điểm lại quá trình chuyển đổi và xác định một số hạn chế, đó là: Đất đai ở từng vùng chưa được khai thác có hiệu quả nhất là ở vùng trũng và vùng bãi. Ruộng đất còn phân tán manh mún, nên việc thu hồi đất chuyển đổi gặp khó khăn, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế."
Chương Mỹ là huyện thuộc vùng bán sơn địa (BSĐ) được chia thành 3 vùng: Vùng bãi ven Đáy 8 xã, vùng đồng 12 xã và vùng BSĐ 12 xã, nên khá thuận lợi cho việc chuyển đổi nông nghiệp. Tuy vậy, trong 5 năm qua Chương Mỹ mới chuyển đổi được 759ha, trong đó chuyển đất 2 lúa sản xuất bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản và lúa cá 373ha, chuyển đổi vùng đất cao hạn sang trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày 386ha.
Phát huy lợi thế của địa hình vùng đồi gò, BSĐ lại có Công ty Chăn nuôi CP Thái Lan đóng trên địa bàn, Chương Mỹ đã có hướng chuyển dịch trong cơ cấu nông nghiệp phát triển mạnh nghề chăn nuôi. Ở nhiều xã đã có sự chuyển biến tích cực cả về sản phẩm và quy mô, hình thức chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn tập trung trang trại. Đến nay, Chương Mỹ đã có trên 145 trang trại lớn quy mô nuôi gà 2.000-10.000 con/lứa/trang trại. Bên cạnh đó, Chương Mỹ còn thực hiện tốt chương trình sind hóa đàn bò, tỷ lệ lai sind chiếm 80%, đưa tổng đàn bò lên 18.500 con. Tỷ trọng ngành chăn nuôi từ 32% năm 2001 tăng lên 47,8% năm 2005. Cơ cấu kinh tế của Chương Mỹ chuyển dịch tích cực, nông nghiệp 35%, công nghiệp xây dựng 32%, thương mại, dịch vụ 33%.
Qua đánh giá, Chương Mỹ đã kiểm điểm lại quá trình chuyển đổi và xác định một số hạn chế, đó là: Đất đai ở từng vùng chưa được khai thác có hiệu quả nhất là ở vùng trũng và vùng bãi. Ruộng đất còn phân tán manh mún, nên việc thu hồi đất chuyển đổi gặp khó khăn, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu về chuyển dịch. Những năm tới, Chương Mỹ định hướng phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai phát triển hàng hóa. Nhiệm kỳ 2005-2010 tập trung chuyển đổi 1.600ha đất nông nghiệp sang mô hình lúa cá, rau màu, cây công nghiệp và cây ăn quả. Đối với vùng trũng quy hoạch chuyển 500ha sang công thức lúa, cá kết hợp với chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Chuyển 500ha ở một số xã vùng bãi ven sông sang trồng rau màu, cây công nghiệp. Chuyển 450ha ở các xã vùng bãi và BSĐ bố trí khoảng 200ha trồng cỏ tập trung phục vụ thức ăn chăn nuôi và 250ha trồng cây ăn quả như cam Canh, bưởi Diễn. Trong năm 2006, Chương Mỹ tập trung cao độ thực hiện chuyển đổi 200ha đất trồng sắn trên vùng đồi gò sang trồng cây ăn quả chủ yếu là bưởi Diễn ở 5 xã Nam Phương Tiến, Trần Phú, Hữu Văn, Đồng Lạc, Hoàng Văn Thụ. Chuyển 250 ha đất trũng cấy lúa bấp bênh sang mô hình lúa, cá và chăn nuôi gia cầm ở Ngọc Hòa, Trường Yên, Tiên Phương, Hoàng Văn Thụ, Lam Điền, Trung Hòa. Bên cạnh đó, Chương Mỹ phát triển mạnh đàn bò 20.000 con, chủ yếu là bò lai sind, đàn gia cầm 3,5 triệu con, đàn lợn 140.000 con, phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi lên 61,2% trong ngành Nông nghiệp.
Để đạt mục tiêu trên, Chương Mỹ tập trung vào một số giải pháp chính, đó là: Hoàn chỉnh quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đến 2010; vận động các xã dồn điền đổi thửa khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất; Tăng cường tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng về quá trình chuyển đổi, để hưởng ứng tạo thành phong trào; Giao kế hoạch cho các xã, HTX: Tích cực chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, cung ứng đầy đủ giống tốt cho sản xuất. Ngoài sự nỗ lực và quyết tâm của Chương Mỹ, đề nghị UBND tỉnh ban hành cụ thể về chính sách cơ chế cho chương trình chuyển đổi, hỗ trợ vốn kịp thời cho diện tích chuyển đổi, quan tâm đặc biệt đến những vùng còn khó khăn, những vùng chưa được đầu tư để hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Đề nghị tỉnh và các ngành của tỉnh có chính sách quan tâm đến công tác chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, giải quyết tiêu thụ “đầu ra” cho nông nghiệp.
Nguồn:HTOL-bannhanong.vietnetnam.net (24/3/2006) |