Làng nghề tỷ phú chỉ xơ dừa.
Người dân Bến Tre ví làng nghề chỉ xơ dừa cặp sông Thom thuộc địa phận 2 xã An Thạnh và Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày là làng làm giàu. Nhiều người dân vùng quê nghèo này trở nên giàu có nhờ làm chỉ xơ dừa, đốt than tiêu kết. Người khởi xướng cho phong trào này không ai xa lạ mà chính là anh nông dân sở tại Nguyễn Văn Nhu (Sáu Nhu). Từ một người nghèo nhất xóm, nhờ bắt đầu làm than tiêu kết, chỉ xơ dừa anh đã thành lập được doanh nghiệp, lên hạng “đại gia”.
Về làng nghề tiểu thủ công nghiệp làm chỉ xơ dừa, không quá khó để tìm được nhà Sáu Nhu. Tôi bước vào ngôi biệt thự của anh thì trời cũng quá trưa, nhưng anh vẫn còn bận rộn bên những hợp đồng chuẩn bị xuất hàng”. Anh phân trần: “Tôi ăn cơm trưa lúc một, hai giờ là chuyện thường. Nhiều khi công việc dồn dập lo mải mê làm, lúc nhớ đến cái bụng bị đói là tới giờ cơm chiều”. Dứt câu, anh Sáu hỏi: “Cả làng nghề sao nhà báo không ghé, mà ghé nhà tôi?”. Vừa nghe tôi nói ý định muốn viết bài về anh để giới thiệu một tấm gương vượt khó, làm ăn kinh doanh giỏi, Sáu Nhu cười khà: “Giỏi giang gì đâu, ở đây bây giờ ai cũng khá. Nhà báo viết sao người ta nói tui “nổ”… kỳ lắm”.
Năm 1984, bên dòng sông Thom chưa có cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa nào, Sáu Nhu sống bằng nghề đi ghe. Khi đó chiếc ghe chèo tải trọng 6 tấn là “cần câu cơm” của gia đình do anh thuê mà có. Hết đi mua gáo dừa đem bán lại cho lò đốt than ở Trà Vinh, là anh quay sang mua vỏ dừa từ Trà Vinh về bán lại cho nhà máy làm chỉ xơ dừa của Ấn Độ tại thị xã Bến Tre. Hơn một năm, các lò than ở Trà Vinh không mua miểng dừa của anh chở sang bán nữa, mà trực tiếp dùng ghe sang Bến Tre mua về đốt để tăng thêm lợi nhuận. Vừa thất nghiệp, vừa tức, cùng suy nghĩ kiếm tiền để trang trải cuộc sống, anh Sáu “quyết” về xây lò tự đốt than. Sở dĩ anh dám làm chuyện này vì trong quá trình chở gáo dừa bán cho các nhà máy than, anh đã âm thầm học hỏi cách làm. Lò đốt than cặp sông Thom của Sáu Nhu ra đời (từ tiền vay và tiền bán cặp heo hơn 3 triệu đồng) làm không ít người giật mình. Được hơn một tháng thì nhà máy xay than ở Bến Tre ngưng không mua than gáo dừa do hết hợp đồng với nước ngoài. Sáu Nhu phải lặn lội đi bán lẻ than gáo dừa cho các lò rèn, lò bánh mì và các công ty ở tận Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang…
Dịp may đến với Sáu Nhu vào năm 1995, khi một công ty của Pháp có đại diện ở TPHCM khuyến khích anh làm nhà máy xay than để cung cấp cho họ. Anh Sáu lại làm một chuyện bất ngờ trong vùng khi dám đầu tư gần 20 triệu đồng xây nhà máy xay than gáo dừa. Việc làm ăn của anh ngày một thuận lợi hơn khi các tàu Trung Quốc vào đến tận Bến Tre mua than của anh (qua hợp đồng ủy thác của các công ty nhà nước trong tỉnh) ngày một nhiều. Sáu Nhu bắt đầu phất lên như diều gặp gió vì sản phẩm làm bao nhiêu bán cũng hết. Nhưng trong quá trình làm ăn, anh Sáu nhận ra một điều làm ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu của cơ sở thông qua cách bán hàng ủy thác này. “Mọi quan hệ, đầu mối, khách hàng đều là của mình tìm ra, nhưng bán kiểu này mỗi năm phải mất bạc trăm triệu do chịu phí ủy thác là vô lý”- anh nói. Rồi Sáu Nhu quyết định nâng cơ sở của mình lên thành công ty TNHH Sáu Nhu vào tháng 10-2004. Từ đây sản phẩm của anh làm ra xuất khẩu trực tiếp.
Mải nói chuyện làm than, khi tôi nhắc đến nghề làm chỉ xơ dừa ở vùng này đang phát triển mạnh giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, nhiều gia đình trở nên giàu có, anh trầm giọng: “Không phải kể công, cũng tôi bày ra chứ ai”. Năm 1987, nhờ đi bán than mà anh biết Bến Tre có Công ty mua chỉ xơ dừa xuất khẩu, nên về làm chỉ để bán. Rồi nhiều người thấy hiệu quả tìm đến học hỏi và làm theo. Mới đầu vài người, rồi vài chục… đến nay không chỉ ở vùng này mà khắp nơi, ai làm chỉ cũng khá lên thấy rõ.
Sáu Nhu còn làm các kỹ sư nhiều phen nể phục. Lúc anh liên hệ Công ty 25 tháng 8, xin làm chỉ xơ dừa cung cấp cho họ thì bị từ chối, vì quê anh lúc đó không có điện để vận hành máy. Nhưng anh quyết tâm làm. “Khi được xem máy chạy chỉ xơ dừa của công ty, tôi thấy bộ phận kéo trục quay là mô-tơ 15 ngựa, về nhà tôi mướn thợ lắp ráp thùng tước chỉ và dùng máy D15 gắn vào, chạy ngon lành!”-Anh kể. Từ cái máy do anh nghĩ ra đến nay tất cả các cơ sở làm chỉ xơ dừa đều áp dụng theo mà không dùng tới điện. Máy nổ dễ sử dụng và di dời. Chưa kể, máy chạy bằng điện ở Công ty 25 tháng 8 có công suất 200 kg chỉ/ngày còn máy do anh Sáu chế đạt tới 500 kg/ngày, hiệu quả kinh tế hơn 2 lần. Đối với máy xay than cũng vậy. Qua suy nghĩ của mình, Sáu Nhu chế tạo thêm nhiều bộ phận khác để có được sản phẩm như ý muốn, hiệu quả cao lại nhẹ vốn đầu tư.
Ở tuổi 45, Sáu Nhu thành một doanh nhân thành đạt. Năm 2004, công ty của anh bán ra khoảng 8.000 tấn than và chỉ sơ dừa, đạt doanh thu 20 tỉ đồng; kết quả này tăng hơn gấp đôi trong năm qua. Công ty đang tạo việc làm 250 lao động, mức lương bình quân từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng. Hơn 20 năm, từ anh nông dân nghèo trở thành giám đốc “tay ngang” (với trình độ lớp 6) nhưng vẫn đứng vững giữa thương trường, Sáu Nhu tâm đắc một điều: “Đó là sự cần cù lao động, thật thà trong làm ăn, đổi mới kịp thời và trên hết phải bền chí để vượt qua gian khó”.
Nguồn:CTOL-bannhanong.vietnetnam.net (23/3/2006)
|