Tập đoàn giống lúa OMCS
Đến nay, tập đoàn giống lúa cực sớm đã có tới hàng chục giống, từ giống OMCS 93 đến giống OMCS 2000 và giống OMCS 21, Nếp OMCS 22. Giống lúa OMCS 21 đang được sử dụng rộng rãi, là giống đã thể hiện chu kỳ sinh trưởng ở tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ và nhiều nơi từ 78 ngày đến 85 ngày, đã đạt năng suất 8-9 tấn/ha, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kháng rầy nâu và đạo ôn. Nhược điểm của giống lúa này là hơi yếu cây, có thể nói cách khác, giống lúa OMCS 21 không yêu cầu nhiều đạm như nhiều giống khác, nên bón quá yêu cầu về đạm thì sẽ bị đổ non như các giống khác. Theo phản ánh ở Trà Vinh và Cà Mau và nhiều nơi khác thì giống lúa này kháng phèn và kháng mặn phèn.
Xin lưu ý: Thời gian sinh trưởng được các viện, trường giới thiệu là chính xác trong điều kiện cấy 1 dảnh để so sánh nhiều giống với nhau theo phương pháp khoa học, nhưng thường muộn hơn sản xuất đại trà 7 đến 10 ngày. Trong điều kiện sản xuất đại trà, hầu hết sạ, nhất là sạ lan, sạ dầy, thời gian sinh trưởng rút ngắn lại 7 đến 10 ngày tương ứng. Chúng tôi có nhận xét, thời gian sinh trưởng của các giống lúa ở Kiên Giang, Trà Vinh nơi gần biển thường ngắn hơn cùng giống cùng thời vụ ở nơi khác khỏang 3-4 ngày, có thể do nhiệt độ không khí ở đây lúc đó cao hơn 1 – 1,5 oC. Đã có mô hình dùng giống OMCS 21 + kỹ thuật mạ ném như ở huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh năm 1999, vụ lúa chiếm ruộng có 65 ngày vì thời kỳ mạ vỉ 14 ngày, năng suất đạt 8 tấn/ha.
Theo một số nhận xét, giống OM3536 (tên gốc của OMCS 21) được tuyển lại, mục tiêu nhằm đạt dòng cứng cây hơn đã đạt, tuy vẫn thuộc loại yếu rạ và mùi thơm giảm chút ít. Rất khó phân biệt giống OM3536 được Bộ Nông nghiệp - PTNT công nhận với giống OMCS 21, vì khi này giống OMCS 21 đã được sử dụng trên nhiều vạn ha và đặc tính của chúng không khác nhau nhiều lắm. Tuy nhiên, giống có tên gốc OM 3536 cũng do KS Nguyễn Văn Loãn lai tạo ở Viện Lúa ĐBSCL. Một giống lúa nếp mới cực sớm được ưa chuộng, nhất là đồng bào Khmer, đang được nhân giống ở tỉnh Trà Vinh và nhiều nơi khác trên hàng trăm ha, đây là giống nếp cực sớm cao sản kháng sâu bệnh. OM 2008 được Viện Lúa ĐBSCL đề xuất và được công nhận. Thổi xôi hay nấu cơm nếp bằng gạo OM 2008 cũng tốn ít nước như các nếp khác, nhưng rất dẻo mà không dính, để nguội có cứng hơn chút ít. Giống lúa nếp OM 2008 cũng do KS Nguyễn Văn Loãn lai tạo ở tuổi "thất thập". Nhận thấy nhược điểm của giống lúa nếp này là hạt gạo trong trắng lẫn lộn, tuy không có ảnh hưởng gì đến năng suất và chất lượng, nhưng không "bắt mắt", nên KS Loãn tiếp tục tuyển chọn và ra được dòng thuần trắng đục đặc trưng của gạo nếp và đặt tên là giống nếp OMCS 22.
Trong chương trình lai tạo giống lúa cực sớm từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Viện Lúa ĐBSCL đã đề xuất nhiều giống lúa cực sớm thuộc nhóm này, như một văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT xếp vào nhóm giống mới, nhóm Ao, bên cạnh những nhóm do IRRI đề xuất: A1 (90-105 ngày), A 2 (110-120 ngày, và B (125- 150 ngày). Thuộc nhóm giống lúa Ao có giống chọn dòng thuần từ 2 giống ở huyện Bình Chánh TP. Hồ Chí Minh OMCS 6 (65 ngày) và OMCS 7 (75 ngày, 1989); lúa cực sớm nhập nội như OMCS 90, OMCS 94, lai tạo bởi KS Loãn: OMCS 93, OMCS 95, OMCS 96, OMCS 97, OMCS 2000, OMCS 21 và OMCS 22. Ngoài những giống lúa cực sớm trên, KS Loãn còn lai tạo nhiều giống khác được sử dụng rộng rãi, như giống OM 1490 nhóm A 1; OM 80 nhóm A 2, OM 1723 nhóm B. KS Loãn, học trò của cố BS Lương Định Của quê ở ĐBSCL nổi tiếng thế giới về di truyền học. KS Loãn dù tuổi cao nhưng vẫn cần cù lai tạo giống lúa cho ĐBSCL, rất đáng được trân trọng, đã được Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Hai, được Giải thưởng Hồ Chí Minh
Nguồn tin :NNVN
|