Phát triển đồng cỏ để đẩy mạnh chăn nuôi gia súc.
Trồng cỏ chăn nuôi không phải đầu tư gì ngoài công
lao động. Phân trâu, bò dùng bón ngay cho đồng cỏ. Trồng cỏ không đòi hỏi kỹ
thuật và chăm bón cao.Muốn phát triển chăn nuôi gia súc đòi hỏi bắt buộc phải mở
rộng và phát triển mạnh đồng cỏ. Nhưng hiện nay, vấn đề này còn chưa được chú
trọng ngay trong tiềm thức của người chăn nuôi.
Chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò; dê, cừu, thỏ) là
nghề truyền thống lâu đời của nông dân Việt Nam. Hàng năm, tốc độ tăng trưởng
của đàn gia súc vào khoảng 5-6%. Ngoài cung cấp sức kéo và thịt, sữa gia súc còn
là nguồn cung cấp phân bón rất lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Nếu nuôi bò sữa cần 4 sào cỏ/con, với chu kỳ 1 năm trung bình 3
tấn sữa, giá sữa bình quân 3.200 đồng/kg thì có doanh thu gần 10 triệu
đồng/năm/4 sào. Theo kinh nghiệm của nhiều hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Kim Sơn
(Sơn Tây, Hà Tây) thì thức ăn chiếm 70% giá thành, trong đó thức ăn xanh chiếm
60%. Như vậy, trừ các loại chi phí thì còn lãi 1.200.000-1.500.000 đồng/sào cỏ
trồng kể cả tiền bán bê con.
Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc ở nước ta vẫn còn phát triển chậm.
Chăn nuôi chủ yếu tồn tại trong nông hộ nhỏ lẻ, phân tán; thức ăn chủ yếu là tận
dụng cỏ tự nhiên và phụ phẩm trong nông nghiệp, việc sử dụng thức ăn công nghiệp
còn rất ít. Năng suất, sản lượng thịt, sữa và hiệu quả chăn nuôi chưa cao; chăn
nuôi bò sữa còn nhỏ bé và bấp bênh. Việc chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa tương xứng
với tiềm năng sẵn có.
Thiếu cỏ cho gia súc .
Nguyên nhân cơ bản là do chăn nuôi gia súc chưa được đầu tư
đúng mức, đặc biệt thiếu trầm trọng thức ăn thô xanh. Thức ăn thô xanh là nguồn
dinh dưỡng chủ yếu cho gia súc ăn cỏ, nhưng hiện nay, nguồn thức ăn này chủ yếu
là tận dụng cỏ tự nhiên và phụ phẩm trong nông nghiệp, trong khi đồng cỏ thâm
canh còn rất nhỏ bé.
Đồng cỏ ở ta hiện nay còn rất hạn chế, chủ yếu là trồng xen,
tận dụng mà chưa thành phổ biến đại trà. Các giống cỏ năng suất cao được nhập
vào nước ta từ những năm 70 của thế kỷ 20 với rất nhiều giống tốt đã thích nghi
cao với điều kiện nước ta nhưng chưa phát huy được, vì đến nay diện tích dành
cho trồng cỏ còn quá nhỏ bé. Rất nhiều chương trình khuyến nông phát triển đồng
cỏ nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, vẫn chưa thay đổi được tập quán người chăn
nuôi, thường cho rằng việc gì phải đi trồng cỏ! Nhưng thực tế cho thấy rõ,
trồng cỏ chăn nuôi cho lợi ích hơn nhiều lần trồng lúa và nhiều loại cây trồng
khác.
Có thể trồng cỏ thâm canh.
Chúng ta có rất nhiều vùng trung du đang chủ yếu trồng sắn với
năng suất 4-5 tạ/sào Băc bộ. Nếu tính giá sắn cao nhất khoảng 400 đồng/kg thì 1
sào sắn trong một năm chỉ thu được 160.000- 180.000 đồng, trừ các loại chi phí
thì chì có lãi 100.000 đồng/sào kể cả công lao động. Sắn lại khó chế biến, bảo
quản, dự trữ nên hay bị mất giá vào mùa thu hoạch. Nhiều vùng trồng cây ăn quả
như nhãn, vải cũng rất dễ bị mất mùa do thời tiết, sâu bệnh. Các loại nhãn, vải
lại thường chín rầm rộ trong thời gian ngắn nên rất hay bị mất giá vào mùa thu
hoạch, trong khi công nghiệp chế biến còn chưa phát triển. Rất nhiều vùng còn
trồng keo, bạch đàn phải 8-10 năm mới được thu hoạch mà chỉ đạt 8-10 triệu
đồng/ha, bình quân mỗi năm 1 ha chỉ thu được 1 triệu đồng, trong khi cây bạch
đàn lại còn làm hỏng đất. Với giá trị sản xuất nông nghiệp như vậy là vô cùng
thấp. Rất nhiều hộ nông dân ở vùng Sơn Tây, Ba Vì (Hà Tây) có vài ha đất mà vẫn
đói nghèo vì chỉ biết trồng sắn, trồng rừng…
Nhưng nếu trồng cỏ thâm canh chăn nuôi, tính ra với trâu, bò
sinh sản cần 3 sào/con/năm, nếu mỗi năm đẻ được một lứa có thể thu được từ 1,5-3
triệu đồng (tùy theo bê đẻ ra là bê đực hay bê cái); còn nếu nuôi trâu, bò thịt
thì nếu tăng trọng 70- 80kg/năm cũng thu được 1,5 triệu đồng, như vậy có thể thu
được 500.000-700.000 đồng/sào/năm. Tại huyện Sông Công (Thái Nguyên), với sự
giúp đỡ của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao tiến bộ chăn nuôi miền núi (Viện
Chăn nuôi), có rất nhiều hộ đã trồng cỏ chăn nuôi trên đất đồi gò cho thu nhập
rất cao. Nhiều hộ trồng cỏ trên vùng đất dốc 45 độ nhưng cỏ vẫn phát triển tốt.
Nhiều hộ còn kinh doanh bán cỏ, bán giống rất có lãi.
Lợi hơn nhiều…
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Chiến ở xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Tây)
thường xuyên nuôi 30- 40 con bò vàng và bò lai Sind, cho lãi hàng năm 40-50
triệu đồng, nhiều lần đưực tỉnh tặng bằng khen hộ nông dân sản xuất giỏi. Gia
đình ông Khuất Quang Bảy ở xã Kim Sơn (Sơn Tây, Hà Tây) nuôi 5 con bò sữa có 9
sào cỏ, còn phải mua thêm cỏ cũng cho lãi hàng năm 10-12 triệu đồng. Trong xã
còn có vài chục hộ gia đình bỏ sắn trồng cỏ chăn nuôi bò sữa, đời sống khá hẳn
lên. Tại vùng này, từ nhiều năm nay cũng nuôi rất nhiều dê, thỏ là nơi cung cấp
thực phẩm lớn cho thị trường Hà Nội.
Các giống cỏ như cỏ voi, Ghinê, Păngole, Ruzi... thích nghi cao
cả trên những vùng đất nghèo. Cỏ giống thường 2 năm thay một lần, dùng luôn hom
hoặc hạt cỏ đang trồng thay thế. Sau mỗi lứa thu hoạch mới phải chăm bón một
lần. Cỏ phát triển mạnh vào mùa mưa, đối với các loại cỏ thân bò có thể phơi
khô, các loại cây thân đứng có thể ủ chua làm thức ăn dự trữ quanh năm.
Trâu, bò, dê, cừu, thỏ có thể hoàn toàn chỉ cần sử dụng cỏ.
Chăn nuôi trâu, bò đầu tư thấp, ít gây ô nhiễm môi trường Thịt trâu, bò có thể
coi là nguồn thịt sạch vì ít sử dụng thức ăn công nghiệp và các chất kích thích
sinh trưởng. Trong tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay, việc đẩy mạnh chăn nuôi
trâu, bò, gia súc ăn cỏ nói chung để cung cấp nguồn thực phẩm là rất cần thiết.
Vậy, muốn phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ thì điều kiện tiên quyết là phải
phát triển mạnh đồng cỏ. Điều này cần phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong nhận
thức của người chăn nuôi và chỉ đạo của các cấp, ngành nông nghiệp. Các vùng
trung du, đồi gò cần bỏ hẳn trồng sắn, trồng rừng kém hiệu quả; chuyển sang
trồng cỏ; các vùng đồng bằng cần chuyển đổi, dồn điền, đổi thửa... để trồng cỏ;
cần có chính sách khuyến nông thích đáng để đẩy mạnh trồng cỏ nhằm phát triển
chăn nuôi gia súc.
Nguồn :vcn.vn/nt-bannhanong.vietnetnam.net (22/3/2006) |