Vườn cây ăn trái ở Đồng Nai : Năng lực cạnh tranh còn thấp!
Một số nhà chuyên môn của ngành trái cây cũng cho
rằng, các nhà vườn trồng cây ăn trái phải biết liên kết lại thông qua việc tổ
chức thành câu lạc bộ hay tổ sản xuất để có cùng một quy trình sản xuất cho chất
lượng trái cây đồng đều hơn, nhằm cung cấp trái cây có chất lượng tốt, sản lượng
ổn định ra thị trường, tạo uy tín cho hàng hóa. Đây là điều hết sức cần thiết để
cạnh tranh trong xuất khẩu.
Chặt nhãn đốt than!
Cách đây không lâu, cây nhãn được xem là "vua" trong các loại
cây lâu năm được trồng ở huyện Tân Phú, nhất là tại các xã: Trà Cổ, Phú Lộc, Phú
Thịnh và thị trấn Tân Phú. Hàng năm, khi đến mùa thu hoạch nhãn lại có từng đoàn
xe tải đậu dài ở các vựa trái cây để chở nhãn đi các nơi tiêu thụ. Nay thì đã
khác, những chuyến xe vẫn còn đến vùng đất trồng nhãn chờ "ăn hàng" nhưng có
điều, đây lại là những chuyến xe chở cây nhãn đã được đốt thành than!
Đã 1 năm nay, anh Nguyễn Văn Đá đầu tư 4 lò than ngay trên thửa
đất vốn là vườn nhãn của mình và nguyên liệu đốt than chính là thân cây nhãn.
Ban đầu, anh còn sử dụng những cây nhãn được đốn hạ trong vườn của mình. Nhưng
càng về sau 5 sào nhãn 7 năm tuổi của anh cũng không đủ cho 4 lò đốt than nên
hàng ngày, anh Đá phải đi các rẫy nhãn trong vùng mua cây. Chúng tôi đến lò than
của anh Đá khi một mẻ than mới đang được cho ra lò. Chiếc xe tải vào chở than đã
chất đầy những bao than thành phẩm. Chung quanh lò than của anh vẫn còn hàng
trăm m3 thân cây nhãn đang đổ đống chờ đến lượt vào lò. Anh Đá cho biết: "Cây
nhãn đốt than tốt lắm. Khoảng 2 năm nay ngày càng có nhiều người dân ở đây cưa
cây nhãn và thế là hàng chục lò than nữa đã được mở ra". Chỉ riêng lò than của
anh Đá, mỗi tháng sử dụng khoảng 250m3 cây nhãn. Nếu mỗi hécta vườn nhãn, anh Đá
lấy được 15m3 thân cây nhãn, thì mỗi tháng, các lò than của anh đã "ngốn" gần 20
hécta nhãn ở huyện Tân Phú. Mấy tuần nay anh Đá đang tích cực đi thu gom cây
nhãn để dành cho lò đốt, vì nếu không, đến mùa nhãn ra trái, chủ vườn giữ lại
cây để vớt vát thêm một mùa nữa, thì cây nhãn sẽ rất khó kiếm!
Cách không xa lò than của anh Đá là lò than của ông Tâm ở xã
Phú Lộc ngốn mỗi tháng hàng trăm m3 cây nhãn. Anh thợ đốt lò ở đây cho biết:
"Ông chủ mới xây thêm hai lò nhưng đốt cũng không kịp. Than bằng thân cây nhãn
được người tiêu dùng chuộng lắm. Chủ vựa than cũng giục mà chủ vườn cũng hối
phải cưa hạ cây nhãn cho người ta dọn rẫy".
Rất nhiều vườn nhãn ở huyện Tân Phú đã được người dân cưa sạch,
thay vào đó là cây quýt, cây cam được nông dân trồng xen từ năm trước. Bên một
con lộ nhỏ đi Tà Lài, mới tháng trước chúng tôi còn dừng chân tại vườn nhãn rộng
2 hécta của ông Nguyễn Văn Bình ở ấp 2, xã Phú Lộc, vậy mà nay, khi quay trở
lại, cả vườn nhãn xanh tốt của ông chỉ còn giữ lại được 2 cây cặp hông nhà để
lấy bóng mát. Cả khu vườn giờ đây đã trống hoác, ngổn ngang cây nhãn được cắt
khúc chờ xe đến bốc đi bán cho lò than. Tiếp chúng tôi, ông Bình nói như mình
đang có lỗi: Gần 30 năm làm vườn ở xứ này, trồng đủ loại cây, cuối cùng ông
trồng cây nhãn với ý định dưỡng già với vườn cây vậy mà thu hoạch mới khoảng 4
mùa, ông đã phải đốn bỏ. 7 năm cực nhọc đầu tư chăm sóc cho vườn cây, nay đã mất
sạch. Ông Bình nói với vẻ ngậm ngùi: "Ở ấp này, cây nhãn đang được mọi người cưa
sạch rồi. Tôi cũng ráng níu kéo cây nhãn từ 2 năm nay, nhưng càng giữ thì càng
thua lỗ. Cưa bỏ vườn cây mình dày công chăm sóc thì xót lắm nhưng biết làm sao
được!". Chỉ cho chúng tôi xem hai cây nhãn còn để lại có các đọt cây đang xoắn
lại thành cục với nhau như tổ kiến. Ông Bình nói tiếp: "Không chỉ giá cả thấp,
mà anh thấy đó, từ 2 năm nay cây nhãn vướng cái bệnh xoắn đọt này, không thuốc
gì chữa khỏi. Cả vườn cây của tôi và hầu như các vườn nhãn ở đây đều bị cái bệnh
quái ác này. Cây nhãn có trái là nhờ có đọt cây cho ra bông, nhưng đọt cây cứ
xoắn lại vậy thì làm sao có bông mà cho trái".
Sau nhãn sẽ là cây gì?
Cách đây 4 năm, khi diện tích cây nhãn đang tăng ào ạt ở huyện
Tân Phú, một cán bộ nông nghiệp ở huyện Tân Phú đã nói với chúng tôi: "Rồi nông
dân cũng sẽ lao đao với cây nhãn". Và nay, lời cảnh báo ấy đã là sự thật. Chỉ
mới đây, năm 2003, diện tích cây nhãn ở huyện Tân Phú phát triển lên tới 1.886
hécta, thì đến năm 2004 đã sụt mất 286 hécta. Với tốc độ chặt nhãn để ... đốt
than như hiện nay, ông Trần Bá Đạt, Phó phòng kinh tế huyện Tân Phú dự báo: "Có
lẽ cây nhãn chỉ còn khoảng 1.000 hécta trong năm nay".
Nguyên nhân vì sao nông dân không còn mặn mà với cây nhãn? Ông
Đạt cho biết: "Có hai nguyên nhân, đó là giá cả thấp và cây nhãn bị bệnh xoắn
đọt làm cho năng suất kém". Nhiều nhà vườn cho rằng về giá cả, họ vẫn chấp nhận
được ở mức 4.000đ/kg, nhưng yêu cầu cây nhãn phải cho năng suất ổn định. Trong
khi đó, từ hai năm nay khi bệnh xoắn đọt trên cây nhãn hoành hành thì năng suất
cây nhãn giảm rất thấp, khiến nông dân trồng nhãn lỗ nặng. Trước đây, chưa xuất
hiện bệnh, 1 hécta cây nhãn có thể cho 8-10 tấn/hécta, nhưng khi bị bệnh xoắn
đọt, cây nhãn chỉ còn cho năng suất 4-5 tấn/hécta.
Chặt hạ nhãn, nông dân Tân Phú sẽ trồng gì? Có một thực tế đang
diễn ra ở huyện Tân Phú hiện nay là diện tích cây quýt đang tăng lên rất nhanh
(1.300 hécta) do vườn nhãn vừa dọn ra đã thấy nông dân thay thế sẵn bằng cây
quýt, cam, trong khi giá cả loại trái cây này lại đang có chiều hướng đi
xuống...
Cần một chiến lược bền vững cho cây trái Đông Nai.
Sau nhiều năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích vườn cây
ăn trái trong tỉnh đã tăng cao. Toàn tỉnh đến nay đã có tới gần 47.000 hécta cây
ăn trái với sản lượng ước tính lên tới hơn trên 300.000 tấn mỗi năm. Diện tích
và sản lượng vườn cây ăn trái mặc dù tăng nhanh, song theo ông Nguyễn Văn Giàu,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thì nông dân trồng cây ăn trái
muốn đứng vững, phải quan tâm đến chất lượng. Bởi, hiện nay việc cạnh tranh giữa
trái cây trong nước và trái cây ngoại nhập rất khốc liệt. Nhiều mặt hàng trái
cây của Thái Lan, Trung Quốc cũng giống Việt Nam nhưng chất lượng của họ cao hơn
và đây là một bất lợi lớn cho trái cây Việt Nam... Nhiều chuyên gia cho biết,
mặc dù đến nay, đã có những thay đổi đáng kể về tăng chất lượng giống, kỹ thuật
chăm sóc cây và bảo quản sau khi thu hoạch, thế nhưng trái cây Việt Nam vẫn chưa
đáp ứng được yêu cầu của thị trường đang ngày càng đòi hỏi phải có năng suất
cao, chất lượng tốt và giá thành rẻ mới có thể tiêu thụ tốt được. Để có được một
vùng trái cây đạt chất lượng như mong muốn thì khâu đầu tiên, khá quan trọng là
tuyển chọn giống. Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho
biết, những cuộc thi về trái ngon giống tốt mà TTKN tỉnh tổ chức là để tuyển
chọn những giống cây có chất lượng cao nhằm nhân giống thật nhanh để cung cấp
cho các nhà vườn trong tỉnh. Ông Vinh cho rằng, trước mắt các loại cây giống
tốt, đoạt giải sẽ được theo dõi quản lý và cung cấp giống cho các chủ vườn cây
đang cải tạo vườn. Về lâu dài, khi phát triển vùng trái cây chuyên canh thì đây
sẽ là những giống tốt, sạch bệnh có thể đảm bảo cung cấp đủ giống cho các nhà
vườn.
Đánh giá về tiềm năng phát triển cây ăn trái của Đồng Nai, Tiến
sĩ Bùi Xuân Khôi, Phó viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, giám đốc Trung tâm
cây ăn quả miền Đông Nam bộ nhận xét: "Đồng Nai là một tỉnh rất thuận lợi cho
việc phát triển cây ăn trái. Hơn nữa, nhiều vùng đất trong tỉnh như Long Khánh,
Tân Triều, Long Thành người dân đã có tập quán trồng cây ăn trái từ lâu và đã có
những loại cây thuộc về đặc sản như bưởi Tân Triều. So với vùng đồng bằng sông
Cửu Long thì những vườn cây ở Đồng Nai sạch bệnh hơn và có đủ điều kiện để phát
triển, cạnh tranh tốt với trái cây nội địa". Tuy nhiên, cũng theo Tiến sĩ Khôi,
các nhà vườn sản xuất trái cây trong tỉnh hiện nay vẫn chưa thoát ra khỏi vòng
lẩn quẩn của việc đụng hàng, rớt giá. Ông lưu ý, các nhà vườn cần phải áp dụng
những tiến bộ khoa học để sản xuất trái cây rải đều trong năm, không nên cho
chín tập trung quá vào chính vụ hay trái vụ, như thế đầu ra sẽ ổn định hơn. Một
số nhà chuyên môn của ngành trái cây cũng cho rằng, các nhà vườn trồng cây ăn
trái phải biết liên kết lại thông qua việc tổ chức thành câu lạc bộ hay tổ sản
xuất để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng trái cây đồng đều hơn,
nhằm cung cấp trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định ra thị trường, tạo
uy tín cho hàng hóa. Đây là điều hết sức cần thiết để cạnh tranh trong xuất
khẩu.
Nguồn:ĐNOL-bannhanong.vietnetnam.net (24/2/2006)
|