Giá dừa khô tại Bến Tre bỗng chốc đã lên đến mức kỷ lục
Thỉnh thoảng, vài ghe thương hồ ghé lại tranh mua vài ngày rồi
biến mất. Dân trong nghề buôn dừa nói đó là sự chia sớt cho những chuyến hàng cò
con chở dừa đi Châu Đốc bán cho thương lái từ bên Campuchia sang kênh Vĩnh Tế hoặc quẹo qua Hà Tiên bán qua Xà Xía. Dừa
khô hút hàng, nhà máy đói nguyên liệu
Ông Lê Quan Sỹ, phó tổng giám đốc công ty chế biến dừa Phú Hưng
tại Bến Tre (liên doanh với Sri Lanka), không mấy gì vui, nói: "Đã 3 tuần rồi,
hai xí nghiệp của chúng tôi chỉ chạy chừng 10% công suất". Trong khi đó, tổng
giám đốc công ty liên doanh Slvermill – Treximco, Piyal Kasturiatna (người Sri
Lanka) lạnh lùng nói: "Vài ngày tới, nếu tình hình cung cấp nguyên liệu không
được cải thiện, tôi buộc phải đóng cửa nhà máy".
Chủ tịch xã An Hiệp (huyện Châu Thành, Bến Tre) Tô Trí Dũng
biết tình thế bất cập, nhưng anh không thể làm gì khi các nhà vườn muốn bán dừa
khô cho tàu nước ngoài hơn là bán cho doanh nghiệp trong nước. Thực ra, giá khá
cao nhưng nhà vườn chỉ cầm chắc giá tại bến từ 21.000 – 23.000đ/chục, tùy theo
cỡ trái lớn, nhỏ. Phần chênh lệch 3.000 - 4.000đ/chục thuộc về lớp trung gian.
Trong khi đó, theo tính toán của các xí nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy thì giá
dừa khô nguyên liệu vượt ngưỡng 16.000đ/chục thì việc chế biến sẽ bất lợi cho
họ.
Khi dừa khô lên giá, các nhà vườn không thể lường hết mọi thứ
như những doanh nhân. Và cũng không ai nói với họ rằng điều gì đang và sẽ xảy ra
khi ai nấy đổ xô bán dừa thô. Đây không phải là lần đầu tiên tàu Trung Quốc,
Campuchia vào đây ăn hàng. Những năm trước, hình thức xuất khẩu tại chỗ được xem
là cơ hội tốt, nhưng nay lại là chuyện không mấy hài lòng. Ông Piyal nóng ruột
nói: "Ở Ấn Độ, Philippines, Sri Lanka, nhà nước có những chính sách đầu tư lớn
cho ngành trồng và chề biến dừa trong nước. Họ sẽ can thiệp mạnh bằng thuế quan.
Ở Bến Tre, nơi duy nhất của Việt Nam có rừng dừa, chất lượng tốt không thua các
quốc gia khác.
Tương lai của người trồng dừa nên gắn bó mật thiết với các nhà
máy, xí nghiệp". Nhiều người trồng dừa muốn như vậy, nhưng giá cả là sự cám dỗ
khó cưỡng lại được. Vấn đề là sản lượng dừa có hạn nên cung không đủ cầu. Lão
nông Lê Văn Tam, ở xã Đa Phước Hội (huyện Mỏ Cày) là thế hệ thứ 6 trong một gia
đình trồng dừa, từng lê "cưa cá mập” hạ sát hàng loạt vườn dừa để lấy đất trồng
nhãn, nói: "Từ 1996 – 2001, tỉnh Bến Tre đã mất hơn 5.600 ha dừa vì thất giá. 10
năm trở lại đây, dừa không chỉ làm ra dầu dừa thô, chỉ xơ, thảm xơ dừa, cơm dừa
thô, than thiêu kết mà còn ra khoảng 15 mặt hàng có giá trị cao. Nhưng diện tích
còn lại không bao nhiêu!".
Dừa thô xuất ào ạt, nhà máy nội địa thiếu nguyên liệu.
Hiện nay, một dạng công nghiệp “hương trấn” đã ra đời ở Bến
Tre. Ở ấp 10 thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, có 12 cơ sở sản xuất hàng thủ
công từ các phụ phẩm cây dừa: cọng lá dừa, mo nang, áo dừa... bán lên TP.HCM và
xuất khẩu theo đơn đặt hàng.
Đặt trụ sở ở xã An Hiệp (huyện Châu Thành), nhưng công ty trách
nhiệm hữu hạn Thanh Bình đã tổ chức được vệ tinh sản xuất ở 16 xã(với hơn 1.000
lao động), tạo ra trên 50 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu sang nhiều nước
EU và châu Á. Năm 1998, lần đầu tiên, công ty thu về 3 tỉ đồng nhờ xuất khẩu.
Đây là số tiền lớn chưa từng thấy đối với Thanh Bình. Nhưng 5 năm sau, công ty
đã thu trên 14 tỉ đồng. Năm nay, công ty này có thể thu 19 tỷ đồng. Ở xã Hưng
Phong (huyện Giồng Trôm), có khá nhiều hộ nghèo, nhờ công nghiệp hương trấn mà
3.000 lao động có công ăn việc làm ổn định, thu nhập từ 25.000 – 30.000
đồng/ngày. Hưng Phong đã có 1000/ 1.352 hộ làm nghề đan giỏ - vệ tinh của 35 cơ
sở. Ông Nguyễn Văn Phếch vốn là hộ nghèo, sau khi học nghề, đã biến những trái
dừa điếc thành sản phẩm mỹ thuật, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Anh Trần Minh Đạo, chủ cơ sở làm thạch dừa Minh Châu, từ chỗ
cung cấp cho thị trường vài ba trăm ký/ngày nay đã làm nên một xưởng lớn (100
công nhân), có thể cung ứng 10 – 20 tấn/ngày, nói: “Tôi chỉ làm một sản phẩm cho
chắc. Còn làng nghề, nhiều cơ sở có thể làm ra nước dừa đóng hộp, sữa dừa, kem
sữa dừa... từ nước dừa”. Cả Bến Tre có 4 HTX, 20 doanh nghiệp, cơ sở và khoảng
3.000 gia đình làm hàng thủ công mỹ nghệ; mỗi năm tạo ra giá trị hàng hóa trên
30 tỷ đồng. Cái hay của làng nghề là lực lượng tạo mẫu ngày càng đông, nhưng cái
dở cũng bộc lộ vì không ai đứng ra cân đối giữa vùng nguyên liệu và sức tiêu thụ
đang leo thang cấp kỳ.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết:
các sản phẩm chế biến từ dừa đã hiện diện ở 40 quốc gia và lãnh thổ. Trong tổng
kim ngạch xuất khẩu của Bến Tre, các sản phẩm từ dừa chiếm tỷ trọng 30 – 40%
(giai đoạn 1995 – 1999) và 40 – 50%(giai đoạn 2000 – 2004). Kim ngạch xuất khẩu
các sản phẩm từ dừa từ 4,238 triệu USD (năm 1995) đã tăng lên hơn 32 triệu USD
vào năm 2004. Nhưng có lẽ bài toán cung-cầu, tinh chế và tận dụng mọi thứ thứ
phó sản để làm giàu... phải tính toán lại. Ông Piyal cho rằng khi đặt nhà máy
tại đây, ông đã nghĩ tới việc làm ra 12 mặt hàng từ dừa để xuất khẩu.
Nhưng nếu hằng năm, Bến Tre vẫn xuất khẩu thô khoảng 55 triệu
trái dừa khô (chiếm 40% sản lượng) thì cũng có nghĩa là tự mình đánh mất đi hàng
triệu đô-la khi nhiều người mất cơ hội việc làm, cơ cấu hàng hóa hụt hẫng khi
nhiều cơ sở thiếu nguyên liệu. Bởi nếu bán thô 12.500 trái dừa chỉ mới tạo ra
một việc làm; còn đầu tư chế biến thì chỉ cần 500 trái đã tạo ra 1 lao động và
giá trị gia tăng tăng lên gấp 3 lần. Chưa kể rất nhiều ngành nghề chế biến khác
cũng "lên hương” như: sản xuất than hoạt tính, thạch dừa, sữa dừa, dầu dừa, cám
dừa làm thức ăn chăn nuôi...
Nguồn:CTOL-bannhanong.vietnetnam.net
|