Khuyến khích ngân hàng đưa vốn về nông thôn.
Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc chỉnh sửa Quyết định
888 về lập chi nhánh ngân hàng thương mại theo hướng nâng cao yêu cầu vốn đối
với việc mở chi nhánh ở đô thị và hạ thấp yêu cầu mở chi nhánh nông thôn.Việc
chỉnh sửa này nhằm khuyến khích các ngân hàng mở thêm chi nhánh,đưa dòng vốn về
nông thôn đang cần vốn cho hoạt động kinh tế công,nông nghiệp,dịch vụ ngày càng
phát triển và tạo bình đẵng lãi suất tín dụng.
Theo ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Các ngân hàng, thay đổi này
nhằm khuyến khích các ngân hàng tăng cường tiếp cận khu vực nông thôn. Bên cạnh
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước muốn các ngân
hàng khác cũng cân nhắc mở chi nhánh ở khu vực nông thôn.
Quyết định 888 được ban hành ngày 16/6/2005, trong đó yêu cầu ngân hàng
phải bố trí ít nhất 20 tỷ đồng vốn để mở một chi nhánh mới. Số lượng chi nhánh
được phép mở sẽ tính bằng vốn điều lệ của cả ngân hàng trừ đi vốn pháp định và
chia cho 20 tỷ đồng. Theo quy định hiện hành, vốn pháp định của một ngân hàng đô
thị ít nhất bằng 70 tỷ đồng. Trong thời hạn một năm kể từ khi Quyết định 888 có
hiệu lực, từng ngân hàng thương mại phải rà soát lại toàn bộ hệ thống và có kế
hoạch điều chỉnh theo đúng quy định. Như vậy, nếu một ngân hàng có vốn điều lệ
270 tỷ đồng, “quota” cho họ là 10 chi nhánh. Nếu ngân hàng đó đã có 15 chi
nhánh, thì đến 16/6/2006 (đúng 1 năm sau khi Quyết định 888 có hiệu lực), sẽ
phải tăng vốn điều lệ thêm 100 tỷ đồng nữa, nếu không sẽ phải chuyển 5 chi nhánh
thừa thành phòng giao dịch, trong trường hợp xấu nhất sẽ phải ngừng hoạt
động.
Theo ông Dũng, để tham gia hội nhập thì yêu cầu tăng vốn đối
với các ngân hàng thương mại cổ phần là đương nhiên. Một lộ trình tăng vốn từ
2006 đến 2010 sẽ được vạch ra để các ngân hàng chuẩn bị. Mốc đầu có thể là 200
tỷ đồng, sau đó nâng lên 500 tỷ đồng và đích ngắm sẽ là 1.000 tỷ đồng.
Nguồn:VNEXPRESS
|