Cá rô phi - Nhu cầu phát triển con giống trong tương lai
Cá rô phi hiện đang được nuôi rộng rãi trên thế giới. Ngoài mục đích cải thiện dinh dưỡng cho người dân nghèo, nuôi cá rô phi còn tạo ra sản phẩm hàng hóa ngày càng có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Ở nước ta, cá rô phi được nuôi với sản lượng lớn tập trung ở các tỉnh Nam Bộ. Giá bán thay đổi ít nên đã tạo môi trường kinh doanh tương đối ổn định cho người nuôi cá và hệ thống phân phối tiêu thụ. Ðồng thời cá rô phi còn có những ưu thế là ít dịch bệnh, thức ăn không đòi hỏi chất lượng cao, cá có màu thịt trắng, có khả năng thay thế cho một số loại cá biển, cá dễ chế biến theo nhiều loại sản phẩm khác nhau nên được đa số người tiêu dùng chấp nhận, nhất là người tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh vốn khó tính và khắc khe.
Ngoài việc góp phần đa dạng hóa sản phẩm, cá rô phi còn có khả năng giúp làm giảm rủi ro trong nuôi trồng thủy sản (như nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cá tra, ba sa,…), là biện pháp cải tạo môi trường ao nuôi hiệu quả, đặc biệt những vùng nuôi đang bị suy thoái môi trường.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong việc nuôi cá rô phi xuất khẩu đó là sự đồng cỡ khi thu hoạch và kích thước cá phải lớn (600-1.000g/con) để tăng tỷ lệ phi lê xuất khẩu. Do đó, giống nuôi phải là cá rô phi đơn tính đực có chất lượng. Thông qua nhập nội và tiến hành chọn giống nâng cao chất lượng di truyền, tạo ra một số giống cá rô phi có chất lượng, như cá rô phi dòng GIFT, cá rô phi vằn dòng Thái Lan và cá rô phi hồng Ðài Loan (còn được gọi là Diêu hồng). Trong đó, cá rô phi dòng GIFT được cho là có ưu thế hơn cả bởi tốc độ tăng trưởng của loài cá này rất nhanh so với các loài cá rô phi khác tuy màu sắc không đẹp bằng cá Diêu hồng. Và từ đó chúng đã dần thay thế các đàn cá rô phi khác có chất lượng thấp hơn.
Qua nhiều năm tiếp nhận chuyển giao công nghệ, Trung tâm Sản xuất giống thủy sản An Giang đã tiến hành thực hiện quy trình sản xuất đàn cá rô phi đực bằng phương pháp ngâm cá con bột trong dung dịch có chứa hormone 17a-MT và kết quả cho thấy là rất hiệu quả, cá tăng trọng nhanh; chi phí con giống thấp (dưới 50-60đ/con); yêu cầu kỹ thuật không cao và có khả năng sản xuất với số lượng lớn so với phương pháp cho ăn.
Tuy nhiên, những phương pháp tạo quần đàn cá rô phi đơn tính kể trên chỉ có thể giải quyết những vấn đề con giống trước mắt, còn về lâu dài thì phương pháp này vẫn còn những hạn chế nhất định làm cản trở việc áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Do vậy nghiên cứu các công nghệ mới, đặc biệt áp dụng kỹ thuật di truyền điều khiển giới tính để sản xuất cá rô phi đơn tính đực có ý nghĩa khoa học và kinh tế xã hội sâu sắc.
Mong rằng, trong tương lai gần nhất, phương pháp kỹ thuật di truyền điều khiển giới tính được áp dụng phổ biến, nhằm sản xuất đàn cá rô phi đơn tính đực với số lượng lớn không sử dụng hormone chuyển đổi giới tính, góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành con giống.
ANH THI (AG) |