Nghiên cứu sản xuất vaccin phòng bệnh xuất huyết gây hại trên cá basa
Nghề nuôi cá, trong nhiều năm qua, nhất là nuôi cá basa, trên lồng bè ở các tỉnh lưu vực sông Cửu Long đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên, một trong những trở ngại gây thất thu cho nghề nuôi cá basa là bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila.
Trong thời gian gần đây, bệnh xảy ra có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, các nhà khoa học về nuôi trồng thuỷ sản đã nghiên cứu chế tạo vaccin phòng bệnh này để giảm thiểu tối đa các thiệt hại có thể xảy ra.
Bệnh xuất huyết là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của nghề nuôi cá basa và cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian qua, việc sử dụng các loại kháng sinh tổng hợp để phòng trị bệnh này khá phổ biến tại các bè, lồng nuôi cá. Các loại kháng sinh này tuy có những hiệu quả nhất định nhưng vẫn chưa bảo đảm ngăn ngừa triệt để tác hại của bệnh. Bên cạnh đó, các loại kháng sinh có thể gây nên những trở ngại cho việc xuất khẩu sản phẩm thuỷ hải sản sang các nước nhập vì vấn đề tồn dư chất kháng sinh.
Vì thế việc nghiên cứu để tạo ra vaccin phòng ngừa bệnh cho cá có hiệu quả sẽ hạn chế việc sử dụng các kháng sinh, giúp nghề nuôi trồng an toàn vệ sinh thực phẩm hơn. Các nhà khoa học đã xác định được vi khuẩn gây bệnh xuất huyết trên cá basa và cá tra nuôi bè là vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Đây là vi khuẩn cơ hội gây bệnh khi các điều kiện môi trường nuôi và sức khoẻ cá bị giảm. Vi khuẩn được phân lập để sử dụng làm vaccin và thử nghiệm trên cá basa 15-25 g/ con trong hai năm 2000 và 2001 vừa qua.
Các cá thí nghiệm được gây miễn dịch qua các đường cho ăn, tắm và tiêm vaccin. Kết quả thí nghiệm cho thấy, chế phẩm vaccin là vi khuẩn chết được xử lý nhiệt và formol đã tạo được đáp ứng miễn dịch với sự gia tăng hàm lượng kháng thể trong máu cá thí nghiệm nhưng không gây nên sức đề kháng bệnh xuất huyết. Trong khi đó, với vaccin là vi khuẩn nhược độc kết hợp với chất tăng cường miễn dịch, khi tiêm cho cá 0,1 và 0,2 ml/con, đã tạo nên sức đề kháng bệnh cho cá ở lúc 50 ngày sau khi gây miễn dịch, với hệ số bảo vệ tương đối tương ứng với mức vaccin thử nghiệm là 65% và 82%. Sức đề kháng bệnh của cá được duy trì đến 75 ngày sau khi gây miễn dịch cho cá được tiêm 0,2 ml/con đạt 68% nhưng lại giảm còn 28% ở nhóm cá chỉ tiêm 0,1 ml/con.
Ngoài việc dùng vi khuẩn A.hydrophila phân lập từ cá nhiễm bệnh xuất huyết ở An Giang để làm vaccin phòng bệnh, các nhà khoa học còn thử nghiệm vaccin phòng bệnh lở loét do vi khuẩn A. salmonicida subsp. Salmonicida gây bệnh trên cá hồi. Kết quả cho thấy vaccin đã tạo nên đáp ứng miễn dịch cho cá basa đề kháng với bệnh xuất huyết khi gây nhiễm cho cá vào lúc 75 ngày sau khi gây miễn dịch. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch của cá đối với vaccin này hình thành khá chậm so với vaccin vi khuẩn A. hydrophila.
Kết quả thí nghiệm vaccin nhược độc phòng ngừa bệnh xuất huyết trên cá basa đã có những hiệu quả nhất định. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục hoàn thiện để nhanh chóng có được sản phẩm hàng hóa phục vụ cho yêu cầu của người nuôi cá./.
Nguyễn Thắng (Theo Đài tiếng nói Nhân dân TpHCM) |