Cải tạo đàn bò địa phương – Hướng phát triển chăn nuôi bền vững
Năm 1995, tỉnh triển khai chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Zêbu hoá ( theo dự án cải tạo đàn bò địa phương của Cục khuyến nông nay là Trung tâm khuyến nông Quốc gia). Đàn bò vàng địa phương được cải tạo bằng các giống bò nhóm Zêbu như Red sind,Sa, Br để tạo ra đàn bò lai Zêbu có năng suất cao trong sản xuất thâm canh theo hướng thịt. Từ năm 2001, đàn bò nái nền lai Zêbu tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 là sữa hoá đàn bò bằng giống bò HF.
Từ những năm đầu thực hiện chương trình, tỉnh đã hỗ trợ cho nông dân vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện thụ tinh nhân tạo mua bò đực giống lai có tỷ lệ trên 3/4 máu Zêbu. Đồng thời đào tạo và xây dựng củng cố đội ngũ dẫn tinh viên (DTV) thụ tinh nhân tạo cho bò phục vụ những vùng phát triển chăn nuôi như Tam Nông, Thanh Thủy, Lâm Thao, Việt Trì... đảm bảo mỗi huyện có từ 3-4 DTV hoạt động thường xuyên.
Tiếp tục chương trình cải tạo đàn bò theo hướng sữa, từ năm 2003, toàn tỉnh đã bình tuyển và đưa vào quản lý 1.566 con bò cái nền, trong đó có 1.411 con bò cái lai Zêbu và 115 con F1, F2, F3 HF.
Đến tháng 3 năm 2005, đàn bò F1HF có khoảng 620 con; F2 HF, F3 HF có khoảng 250 con. Để tạo bước đột phá về con giống, tháng 5 năm 2004, tỉnh đã nhập đàn bò HF thuần với 77 con nuôi tân đáo 2 tháng tại Trung tâm gia súc, đây là đàn bò hạt nhân để sản xuất con giống HF thuần tại địa phương. Cùng với việc chuyển giao TBKT về con giống, hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng thâm canh và trồng cỏ voi... Để cải tạo phát triển đàn bò theo 2 hướng thịt và hướng sữa, tỉnh đã khuyến cáo hộ chăn nuôi phát triển đàn bò F1HF dựa trên đàn bò cái nền Zêbu tại địa phương, đây là hướng đi lâu dài và bền vững trong chương trình phát triển bò sữa những năm tới.
Từ chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển ưu đãi đối với các hộ chăn nuôi bò theo định hướng của tỉnh đã tạo động lực tích cực để phát triển chăn nuôi trang trại. Với chương trình cải tạo đàn bò, nhận thức trong chăn nuôi của nhân dân được nâng cao rõ rệt, giá trị thu nhập của người nuôi bò thịt cũng tăng hơn hẳn.
Xã Thạch Khoán (Thanh Sơn) là nơi có phong trào chăn nuôi bò phát triển mạnh. Xã hiện có 17 hộ nuôi từ 3-5 bò cái sinh sản; 10 hộ chăn nuôi với qui mô 5-10 nái, qui mô 30 nái có 1 hộ. Trong 4 năm (2002-2005), tỉnh đã chuyển giao 226 bò đực giống lai Zêbu xuống các vùng sâu vùng xa trong tỉnh, những nơi chưa có đủ điều kiện thụ tinh nhân tạo. Đối với những vùng có điều kiện thụ tinh nhân tạo, người chăn nuôi được khuyến cáo thụ tinh nhân tạo để tạo ra con lai có tỷ lệ máu Zêbu cao.
Năm 2005, nhiều huyện đã đăng ký mua bò đực giống và xác định nghề nuôi bò đực giống là nghề cho hiệu quả kinh tế cao.
C.A (Báo Điện tử - Thời Báo Kinh tế Việt Nam) |