Giải pháp trồng,chế biến,dự trử cỏ cho bò.
Đàn bò ngày càng tăng nhanh trong nhân dân là do hiệu
quả kinh tế của nó mang lại.Nuôi bò khá phù hợp với điều kiện chăn nuôi đơn giản
của nông dân, tận dụng được lao động nhàn rỗi. Trước xu thế này, vấn đề đặt ra
là làm sao giải quyết được thức ăn cho đàn bò đặc biệt là mùa khô, trong khi hầu
hết nông dân nuôi bò với phương thức chăn thả là chính. Những thửa đất dùng chăn
thả trâu bò trước đây ngày càng ít đi vì đã chuyển sang sử dụng cho mục đích
khác. Mặt khác, năng suất và chất lượng cỏ của đồng cỏ tự nhiên là rất
thấp.
Lẽ tất nhiên để chăn nuôi đàn bò đạt hiệu quả cao nhất, người chăn nuôi
phải đồng thời áp dụng nhiều giải pháp khoa học cơ bản về giống, thức ăn, thú y,
quản lý, chuồng trại. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề giải
quyết thức ăn xanh. Vì đây là hạn chế của hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa, bò
thịt trong tỉnh.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề này một cách cơ bản cho mục tiêu
chăn nuôi bò có hiệu quả lâu dài và bền vững, nông dân phải xem chăn nuôi bò là
một nghề, phải được đầu tư mọi mặt, ngoài vốn còn có kiến thức - kỹ thuật cho
công việc của mình.
Trước hết, bất luận chăn nuôi bò sữa, bò thịt hay bò giống đều
là một nghề sản xuất hàng hoá có hiệu quả kinh tế thì việc sản xuất, chế biến và
dự trữ thức ăn xanh cho chăn nuôi là một công đoạn phải được thực hiện một cách
chủ động, làm nguyên liệu đầu vào. Việc làm này cần được đầu tư thoả đáng, phù
hợp với số lượng và hướng sản xuất của đàn bò; cụ thể là phải quy hoạch, dành
một diện tích đất tốt để trồng cỏ với các giống phù hợp, có đầu tư thâm canh và
tính toán sản lượng cỏ đạt được trong năm phù hợp cho hình thức chăn nuôi đàn bò
của mình; ngoài ra còn phải dự trữ các loại phế phụ phẩm nông nghiệp tự có hoặc
mua được trong vùng với giá rẻ có thể làm thức ăn bổ sung cho đàn bò; bên cạnh
đó còn biết cách chế biến, dự trữ thức ăn xanh đủ chất lượng được sử dụng vào
mùa khô.
Các loại cỏ thường được trồng làm thức ăn chăn nuôi bò
gồm:

Cỏ Hoà Thảo:
1. Cỏ Voi2. Cỏ Xả3. Cỏ Paspalum4. Cỏ Ruzi5. Cỏ Pangola
Cỏ Họ Đậu:
1. Cỏ Stylo2. Cây keo đậu
Ngoài ra còn có nhiều giống cỏ khác trong nước và ngoại nhập đã
được trồng làm đồng cỏ cắt hoặc chăn thả có năng suất, chất lượng tốt.
Đất trồng cỏ được cày bừa, rạch hàng sâu 10 – 15cm, hàng cách
hàng 40 – 45cm, cây cách cây 20 – 30cm tuỳ giống cỏ. Đất không úng nước và có
khả năng tưới vào mùa khô, có hàng rào bảo vệ.
Phân bón tính cho 1 ha: 15 – 20 tấn phân chuồng (bón lót trước
khi trồng), 250 – 300kg Super lân, 250 – 300kg Sulfat kali, 400 – 500kg urê đối
với các giống cỏ họ hoà thảo, phân vô cơ được dùng bón cho 1 năm và chia ra theo
các lần cắt cỏ. Với cỏ họ đậu, lượng phân bón ít hơn, phân chuồng bón lót 10
tấn/ha, Super lân 200kg, Sulfat kali 100kg cũng tiến hành bón sau các lần thu
cắt cỏ. Ơ đất chua cần bón thêm 1000kg vôi/ha khi trồng mới, sau vài năm nên bón
bổ sung.
Những năm gần đây, một số nông dân chăn nuôi bò trong tỉnh đã
mạnh dạn chuyển đổi đưa cỏ vào trồng ở đất nông nghiệp, trước đó chỉ trồng màu
hoặc cây công nghiệp. Tuy vậy, diện tích trồng cỏ trong nhân dân hầu hết không
chủ động được nước tưới, do đó lượng cỏ trồng mùa mưa thường dư thừa nhưng thiếu
vào mùa khô. Vì vậy chế biến cỏ dư thừa trong mùa mưa để dự trữ vào mùa khô là
giải pháp quan trọng bao gồm các giải pháp sau:
Một là chủ động tưới nước cho đồng cỏ trồng vào mùa khô là giải
pháp tốt để đáp ứng đủ thức ăn xanh có chất lượng cao cho đàn bò, đặc biệt cho
bò sữa, bê tơ.
Hai là sử dụng các giống cỏ trồng có thân lá nhỏ như Ruzi,
Pangola, cỏ họ đậu... được cắt và phơi khô dự trữ vào mùa khô. Để hạn chế suy
giảm giá trị của cỏ khô, cỏ được cắt khi chưa quá già và được phơi ngoài đồng 2
– 3 nắng, sau đó được bó chặt để hạn chế rụng lá, cỏ khô cần được dự trữ trong
các nhà kho, 1kg cỏ khô bằng 3 – 4kg cỏ tươi.
Ba là ủ chua cỏ, thường dùng các loại cỏ có năng suất cao như
cỏ voi, cỏ xả, cỏ Paspalum, thân cây ngô... làm nguyên liệu. Ủ chua cỏ còn cần
các hố ủ ngầm hoặc nửa nổi trên mặt đất, có thể xây kiên cố hoặc đào hố lót bạt
chống thấm nước, kích thước tuỳ lượng cỏ để ủ và nhu cầu của đàn bò. Cỏ đưa về
được cắt ngắn 5 – 10cm, phơi tái, sau đó được cho vào hố ủ theo từng lớp và nén
thật chặt để không khí thoát ra ngoài. Khi cỏ đầy hố cần phủ bạt và phủ một lớp
đất, đá dày 15 – 20cm để nén chặt cỏ trong hố ủ và ngăn nước mưa vào. Ủ chua là
quá trình lên men yếm khí dưới tác dụng của vi khuẩn làm các chất đường trong cỏ
thành acid lactic, các tế bào thực vật hô hấp hết oxy trong hố ủ và tạo ra acid
cacbonic. Khi pH xuống tới 3,8 – 4 thì phản ứng ngừng lại, các vi khuẩn có trong
hố ủ sẽ chết, lúc này cỏ đã được ủ chua và có thể dự trữ 6 – 12 tháng trong hố.
Khi sử dụng làm thức ăn cho trâu bò, dỡ hố ủ để lấy đủ số lượng sau đó che kín,
lấp lại. Cỏ ủ tốt có màu vàng xanh, có mùi thơm chua. Có thể cho trâu bò ăn 5 –
10kh/con mỗi ngày, bổ sung vào mùa khô.
Dự trữ thức ăn xanh vào mùa khô cho đàn bò đảm bảo số lượng và
chất lượng sẽ giúp người chăn nuôi bò đạt được các mục tiêu kinh tế – kỹ thuật
cao và bền vững.
Nguồn:TTKN LĐ-bannhanong.vietnetnam.net (10/3/2006)
|