Cẩm Khê phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản ở vùng trũng
Cẩm Khê là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, đất trũng chiếm tỷ lệ cao trong toàn bộ diện tích canh tác nông nghiệp, bởi vậy nhiều nơi chỉ trồng một vụ lúa. Kinh tế kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn ở mức cao. Để xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua huyện tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình kinh tế trang trại hộ gia đình, kết hợp với làm kinh tế đồi rừng, trồng cây ăn quả.
Đến nay toàn huyện đã có vài trăm trang trại đạt tiêu chí địa phương, hàng trăm trang trại theo tiêu chí Quốc gia. Huyện có 29 mô hình (3 mô hình làm kinh tế đồi rừng) có thu nhập cao, bình quân lãi 40 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, chỉ khi có chương trình nuôi thủy sản thì các hộ nông dân vùng đất trũng mới có cơ hội thoát nghèo.
Chương trình đã tiếp sức cho nhiều hộ nông dân vùng đất trũng mạnh dạn chuyển đổi từ chuyên lúa sang mô hình "một cá, một lúa" hoặc chuyên nuôi cá, tôm thương phẩm.
Từ 2003 đến nay, chỉ sau chưa đầy 2 năm triển khai dự án, từ một số hộ làm điểm ở Văn Khúc, Điêu Lương đã phát triển ra nhiều hộ ở các địa phương khác. Hầu hết các hộ đó phá tập quán độc canh cây lúa, sang chuyên cá, tôm thương phẩm hoặc kết hợp một lúa, một cá, tận dụng hàng ngàn ha mặt nước nuôi cá, tôm dưới nhiều hình thức, trong đó có gần 800ha chuyên nuôi thả cá. Sản lượng cá tôm thu hoạch năm nay ước đạt 2.442 tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ nuôi cá tôm, lại có đầu ra ổn định, nhiều hộ đã vĩnh viễn thoát khỏi cảnh nghèo. Ông Đặng Văn Được (khu 4, xóm Đình, xã Văn Khúc) phấn khởi cho biết: Trước đây gia đình tôi làm 8 sào lúa, vất vả lắm mà một năm cũng chỉ thu về cao nhất là 2,4 tấn thóc, giờ nuôi cá, tôm lợi gấp hơn 20 lần so với độc canh cây lúa. Năm 2003 - năm đầu tiên chuyển sang làm cá - gia đình ông thu lãi 40 triệu đồng, năm tiếp theo thu 50 triệu đồng lãi, năm nay dự kiến sẽ thu từ cá, tôm 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ông Được cũng cho biết ở Văn khúc còn hàng chục mô hình nuôi cá tôm thâm canh có hiệu quả, thu lãi bằng hoặc cao hơn gia đình ông. Ngoài ra còn nhiều hộ dồn đổi ruộng đất, thực hiện quy hoạch ao nuôi cá, tôm và tận dụng triệt để mặt nước nuôi cá tôm quảng canh, thu lãi hàng trăm triệu đồng/vụ.
Hiệu quả kinh tế mà chương trình thuỷ sản mang lại cho người nông dân được ông Cao Văn Mỹ - Chủ tịch xã Văn Khúc khẳng định: Do đặc điểm địa hình xã vẫn còn nhiều nơi đất trũng chỉ có thể trồng lúa một vụ/năm chưa ăn chắc. Chương trình thủy sản đó khiến cho đời sống của nhiều hộ đổi thay cơ bản. Toàn xã có 1.187 hộ đã có tới trên 800 hộ có ao nhỏ thì 1 sào, lớn thì 1 ha, nguồn thu từ cá, tôm khá ổn định.
Ông Mỹ tâm sự: Có những hộ nghèo tới mức trong nhà không có vật dụng gì đáng giá bạc trăm, nay nhờ nuôi cá đã có trong tay tiền triệu. Năm 2004 tổng thu nhập toàn xã là 13,3 tỷ đồng thì riêng thủy sản chiếm hơn 4 tỷ đồng, năm nay tiền thu từ thủy sản ước vượt so với năm 2004 từ 20-30%. Chương trình nuôi thủy sản đã mở ra cơ hội xóa nghèo tiến tới làm giàu cho người nông dân vùng đất trũng ở Cẩm Khê.
T.L (BÁo Điện từ - Thời Báo Kinh tế Việt Nam) |