Phòng trừ rệp sáp hại rễ cam quýt
Trong những năm gần đây, nhiều nhà vườn trồng cây có múi không những đối phó với dịch bệnh vàng lá gân xanh trên cam quýt mà đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Song song đó sau khi đốn bỏ vườn cam quýt bà con trồng lại cây bưởi lại bị rệp sáp tấn công gây hại rễ càng làm cho đời sống của bà con càng bấp bênh hơn. Nhiều bà con vốn đầu tư nhỏ, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào những cây bưởi trồng lại sau đại dịch vàng lá gân xanh nay càng thêm điêu đứng trước tình trạng này. Tâm sự với chúng tôi anh Tăng Văn Hai ở khu vực Phú Thuận phường Tân Phú quận Ninh Kiều Tp.
Cần Thơ cùng nhiều bà con khác bộc bạch: "Cuộc sống gia đình của đa số bà con ở phường Phú Thuận chủ yếu là nhờ vào cây bưởi nhưng hiện nay bị rệp sáp tấn công gây hại rễ làm hư hại cây trong vườn lên đến 50-70%. Bà con đã dùng nhiều biện pháp đối phó nhưng vẫn không thấy hiệu quả, cũng may là bưởi cũng còn có giá chúng tôi thu từ những cây còn lại". Thực vậy, trong một chuyến công tác ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng ngồi trao đổi với chúng tôi nhiều bà con cũng than phiền về thiệt hại của rệp sáp gây hại gốc bưởi.
Đây là loài dịch hại rất nguy hiểm nếu phát hiện trễ thường hiệu quả phòng trị không cao. Do đó bà con cần chú ý: rệp sáp thường xuất hiện trên những vườn cây không được tưới nước đầy đủ, đất bị răn nứt sẽ rất dễ bị rệp sáp tấn công. Quanh một số gốc cây đất bị đùn lên giống như mạt cưa, bươi nhẹ lên thì sẽ thấy rệp sáp đeo quanh gốc cây. Hoặc bà con có thể thấy một số nấm hoại sinh mọc gần gốc cây, đây là những nấm xuất hiện do rễ cây bị hư và nấm này sẽ tiết ra chất làm rễ cây bị thối nhanh hơn. Trên những vườn cây bị rệp sáp gây hại nặng thì lá thường bị héo nhưng vẫn còn xanh giống như triệu chứng thiếu nước vì rễ cây không hút được dinh dưỡng và nước.
Trong biện pháp đối phó với rệp sáp, đa số bà con thường đưa nước vô ngập vườn sang ngày hôm sau rút nước ra nhưng theo các nhà khoa học thì việc làm này không đem lại hiệu quả cao mà còn làm cho cây dễ bị "sốc" nước làm hư bộ rễ. Bà con có thể dùng cuốc răng cuốc nhẹ xung quanh gốc cây từ ngoài tán vào cách gốc khoảng 2 tấc là vừa sau đó rải thuốc lên rồi tưới nước cho đẫm để thuốc thấm xuống bên dưới diệt rệp. Một số loại thuốc có thể sử dụng phổ biến hiện nay: SUPRACIDE 40 EC liều lượng 1-1,5 lít/ha, BASUDIN 10 H liều lượng 10-15 kg/ha. Do rệp sáp có phủ một lớp sáp trên cơ thể nên bà con cũng có thể dùng nước rửa chén pha loãng ra tưới trước nhằm phá vở đi lớp sáp này thì thuốc sẽ thấm sâu vào bên trong cơ thể hiệu quả sẽ cao hơn.
Theo NGỌC MẪN – AGPPS |