Dùng chất nổ đánh cá bị phạt đến 10 triệu đồng
Quy định về Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản nêu rõ, ngư dân sử dụng chất nổ để khai thác thuỷ sản hoặc tàng trữ trái phép chất nổ, kíp nổ, dây cháy chậm trên tàu cá sẽ bị cơ quan chức năng phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Nghị định 128 của Chính phủ cũng đưa ra quy định về mức phạt đối với hành vi tàng trữ, sử dụng kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thuỷ sản, như phạt 1-2 triệu đồng với tàu cá dưới 30 sức ngựa; 2-4 triệu với tàu cá 30 đến dưới 90 sức ngựa và 4-6 triệu đồng với tàu cá 90 sức ngựa trở lên.
Bên cạnh đó, ngư dân sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng nếu xả nước thải, dầu mỡ, hoá chất, các loài động vật, thực vật có độc tố hoặc các chất thải có hại khác vào môi trường sống, sinh sản, sinh trưởng tự nhiên của các loài thuỷ sản hoặc vào môi trường vùng nuôi trồng thuỷ sản, vượt tiêu chuẩn cho phép dưới hai lần. Mức phạt sẽ nâng lên 5-10 triệu đồng nếu xả chất thải độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép từ hai lần trở lên. Đặc biệt, số tiền phạt có thể là 15 đến 30 triệu đồng khi xả các chất đặc biệt nguy hại vào môi trường sống của các loài thuỷ sản.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định sẽ phạt đến 5 triệu đồng nếu ngư dân khai thác, huỷ hoại trái phép các rạn đá ngầm, rạn san hô, các bãi thực vật ngầm, rừng ngập mặn và hệ sinh cảnh khác, trừ hành vi neo đậu tàu cá trong trường hợp bất khả kháng; tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép san hô.
Khai thác thủy sản có kích thước quá nhỏ, đe dọa đến nguồn lợi tự nhiên cũng bị xử phạt tùy theo kích cỡ và khối lượng khai thác.
Tại nước ta, hiện tượng dùng mìn đánh bắt cá quanh dải san hô, khai thác san hô làm vật lưu niệm, nguyên liệu xây dựng, bắt cá tôm có giá trị kinh tế sống ẩn vào san hô vẫn xảy ra suốt dọc ven biển miền Trung, từ Quảng Nam Đà Nẵng tới Ninh Thuận và Bắc Bộ. Tệ hơn, nhiều loại cá có nguy cơ bị tiệt chủng do việc khai thác quá độ, nhất là các tàu đánh cá bằng lưới vét. Những việc làm này đã phá hoại những rạn san hô, sự đa dạng sinh học dưới đáy biển và điều đặc biệt nguy hiểm là làm cạn kiệt nguồn lợi tự nhiên mà biển đem lại.
H.Yên (Báo Điện tử - Thời Báo Kinh tế Việt Nam) |