Có giống, có thức ăn chỉ thiếu hướng
Ở Bình Thuận có nhiều bảng quảng cáo “cá heo” (nguyên liệu chế biến bột cá làm thức ăn chăn nuôi) treo ở các thị tứ. Mùa khô hạn, chủ trang trại và thương lái các tỉnh đổ về mua từng bầy bò, dê đang thiếu chất thô, xanh để về vỗ béo. Những hình ảnh ấy nói lên điều kiện thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn của ngành chăn nuôi ở đây.
Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng bình quân các sản phẩm chăn nuôi Bình Thuận từ 2002-2005 tăng7,2%/năm, trong đó thịt heo tăng 10,6%/năm. Đàn heo cả tỉnh hiện có 268.354 con.
Nguồn thức ăn giàu đạm khá dồi dào: sản lượng đánh bắt hải sản 140.000 tấn/năm, lượng bắp đạt 85.000 tấn, khoai mì 165.000 tấn, khoai lang 140.000 tấn, cám gạo 40.000 tấn. Nguồn nguyên liệu này và các phụ phẩm đủ để chế biến làm thức ăn chăn nuôi cho các loại tiểu gia súc (heo, gà vịt).
Nguồn thức ăn phải đi trước một bước
Đáng nói là trong 5 năm qua, các loại đại gia súc nhai lại như bò, dê, cừu. ..đều tăng: đàn dê tăng đến 67%, hiện có 53.540 con; đàn bò tăng 10,3%/năm, hiện có gần 178.000 con. Giống bò địa phương với tên bò Bình Thuận cũng nổi tiếng như bò Phú Yên hay bò Nghệ An, Tây Ninh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), để trở thành ngành sản xuất hàng hóa có tỷ trọng tương xứng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Bình Thuận vẫn còn khá nhiều việc phải làm...
Theo TS. Đinh Văn Cải, đặc điểm quý nhất của con bò vùng khô nóng Ninh Thuận - Bình Thuận là sự thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Chúng tự thích nghi với điều kiện dinh dưỡng thấp và không ổn định, có khả năng sống sót qua nhiều mùa khô thiếu thức ăn, không đủ nước uống.
Ông Cải cho rằng nếu so sánh về khối lượng cơ thể, tốc độ sinh trưởng và năng suất thịt thì con bò Bình Thuận không bằng. Nhưng về đặc điểm thích nghi với môi trường tự nhiên thì hơn hẳn. Vì vậy trước khi cải tiến, lai tạo giống bò địa phương thì phải cải tiến nguồn thức ăn cho chúng. Việc trồng cỏ và chế biến thức ăn phải được đặt ra trước tiên.
Huyện Bắc Bình hiện có đến 50.000 con bò, là vùng chăn nuôi tập trung lớn nhất tỉnh, dự kiến năm 2010 tổng đàn sẽ lên đến 60.000 con. UBND huyện đã quy hoạch diện tích đất trồng cỏ đến 2010 là 700 ha, đồng chăn thả tự nhiên hơn 3.298 ha.
Ông Lê Văn Long, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết đã trình UBND tỉnh chương trình giao đất cho các nhà đầu tư các nơi đến mở trang trại, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn tại chỗ để hạ giá thành sản phẩm và ký kết tiêu thụ bò thịt, cỏ cho nông dân.
Trường Đại học nông lâm đã đưa ra các mô hình cây thức ăn xanh đa dạng cho các hộ tiểu nông, phù hợp với điều kiện địa phương; cây thức ăn gia súc với sự tham gia của cộng đồng. Cây cỏ có đến 80 % khối lượng là nước nhưng đáng tiếc là công tác thủy lợi lại chưa được quy hoạch cho các vùng chăn nuôi.
Vì vậy cùng với các hồ chứa, kênh mương cho lúa, đậu, UBND huyện kiến nghị khảo sát xây dựng các hồ chứa nhỏ, các giếng khoan đáp ứng nhu cầu nước uống chăn nuôi.
Với thân bắp sau thu hoạch hay lá, vỏ, xác bã khoai mì, có thể hướng dẫn cho nông dân chế biến theo các cách ép khô, ủ chua, ủ héo để tăng hàm lượng chất dinh dưỡng. Như vậy phải xây dựng các đội ngũ khuyến nông chuyên về chăn nuôi...
Con giống tiếp bước theo sau
Giải quyết được nguồn thức ăn, vấn đề giống lại bức thiết đặt ra. Các chủ trang trại thường hay nóng vội chủ quan muốn trong một thời gian ngắn đàn bò địa phương phải được lai tạo cấp tiến với các giống bò cao sản theo hướng thịt hoặc sữa. Nhưng rất nhiều chương trình đã thất bại do nóng vội.
Cũng theo TS.Cải, nên dựa theo khả năng đáp ứng thức ăn để phân thành các mức khác nhau trong lai tạo. Mức nuôi dưỡng thấp là mùa khô bò tối thiểu ăn được 5-10 kg/ngày và có đủ rơm khô cho bò ăn tự do. Những trại đủ tiêu chuẩn này thì lai tạo ra bò lai Sind, lai Sahiwal, bê 12 tháng tuổi có thể đạt 140-160 kg. Mức nuôi dưỡng trung bình là mùa khô bò được ăn 10-15 kg cỏ xanh, có đủ rơm khô, rơm ủ urê cho bò ăn tự do, có bổ sung thêm cám cho bò mẹ nuôi con và cho bê con trước và sau cai sữa.
Những hộ đạt yêu cầu này thì lai tạo bò lai Brahman đỏ hoặc trắng, hoặc tạo con lai Drought master nuôi thịt. Bê lai 12 tháng tuổi đạt 160-180 kg hoặc hơn. Mức nuôi dưỡng cao là chủ động thức ăn tinh quanh năm theo yêu cầu phát triển của con vật.
Nơi đạt yêu cầu này thì có thể nuôi bò cái nền lai Sind (bò cái nền đã cải tiến, khối lượng từ 250 kg trở lên) để lai tạo với bò chuyên dụng thịt, sản xuất ra con lai chuyên thịt. Bê 12 tháng tuổi đạt 240-260 kg, 18 tháng tuổi con đực đạt khoảng 350 kg, vỗ béo 3 tháng đạt trên 400 kg bán thịt. Con lai có máu lai Sind cao, giá trị bò cái giống hiện ở mức 50.000-60.000 đ/kg hơi. Nhiều trang trại lớn ở Bình Thuận đã theo được hướng này.
Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết 04 về việc cho hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển nuôi bò đẻ, bò thịt, hỗ trợ 50% giá giống cỏ cho mọi người chăn nuôi. UBND tỉnh cũng đang soạn thảo các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư đến lập trang trại, lập cơ sở giết mổ, chế biến thịt.
Theo đó, đất chăn nuôi được giảm 100% lệ phí giao đất và tiền thuê đất suốt thời gian thực hiện dự án, miễn tiền thuê đất trong 10 năm. Với các diễn biến trên, miền khô nóng Bình Thuận đang trở thành “đất hứa” cho người chăn nuôi.
Huỳnh Hạnh (Báo Điện tử - Thời Báo Kinh tế Việt Nam) |